Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đằng sau "đường quan lộ" đó là gì?

Thứ Tư, 15/06/2016 10:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Cuối cùng thì vụ chiếc xe Lexus vốn mang biển trắng của TP Hà Nội nhưng lại được Công an tỉnh Hậu Giang gắn cho cái biển xanh của tỉnh này, để ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Thanh “đi làm cho tiện”, cũng đến hồi kết.


Ông Trịnh Xuân Thanh (bìa phải) nhận hoa chúc mừng được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Báo Hậu Giang

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang đã lên tiếng “xin rút kinh nghiệm sâu sắc”. Thôi thì cũng coi như xong, dù "sợi dây kinh nghiệm" vốn bị cho là quá dài, không biết rút đến bao giờ mới hết (?). 

Nhưng... kết mà chưa hết. Tạm gác chuyện chiếc xe sang một bên thì mấy hôm nay, dư luận lại tập trung vào một vấn đề khác. Đó là vì sao đường quan lộ của ông Thanh lại hanh thông một cách chóng mặt như vậy, chỉ trong 3 năm trời. 

Ngày 19/5/2013, ông Thanh được miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT TCty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau 5 năm tại nhiệm, để lại cho doanh nghiệp này một món lỗ 3.200 tỷ đồng. 

Đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ này. Thế nhưng ông Trịnh Xuân Thanh chẳng hề bị kiểm điểm gì, mà ngày 30/9/2013, ông còn được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng ký quyết định bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Bộ, Trưởng Đại diện Bộ Công thương tại Đà Nẵng.

Ngày 11/3/2014, ông được giao nhiệm vụ phụ trách công việc chung của Văn phòng. Rồi ngày 24/2/2015, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại trao quyết định bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng kiêm Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ cho ông Thanh. Tiếp theo, ông còn giữ chức Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Công thương. 

Ngày 13/5/2015, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa VIII tổ chức Kỳ họp thứ XIII (bất thường) để quyết định một số vấn đề về công tác nhân sự. Các đại biểu đã thống nhất bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Và ông lại vừa trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. 

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Vì sao một người đã khiến cho một doanh nghiệp Nhà nước lỗ đến 3.200 tỷ đồng, bị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Nhưng không những chẳng bị làm sao, mà lại còn được đưa liên tiếp lên những chức vụ cao hơn, chỉ trong vòng 3 năm? 

Lại còn trong những chức vụ được đưa đưa lên ấy, lại có cả chức Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp của một Bộ lớn? Lãnh đạo một doanh nghiệp còn chả nổi, còn khiến cho doanh nghiệp lỗ một núi tiền khổng lồ, thế thì ông ta sẽ “đổi mới” cái gì cho những doanh nghiệp khác của Bộ? 

Hơn thế nữa, cán bộ cấp Vụ trưởng ở một bộ, ngành của Trung ương, được cấp có thẩm quyền lựa chọn để luân chuyển về giữ chức Phó Chủ tịch UBND một tỉnh, thường là cán bộ nằm trong quy hoạch phát triển, phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn. 

Vậy, vì lý do gì mà ông Thanh thoát khỏi bị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, lại có được những chức vụ càng ngày càng cao, chỉ trong một thời gian ngắn? 

Hy vọng câu hỏi đó sẽ được trả lời, sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng./.

Vũ Hữu Sự/nongnghiep.vn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN