“Dân ta phải biết sử ta”
(ĐCSVN) - Trong hệ thống các môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông, môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc. Quyết định chuyển Lịch sử thành môn học bắt buộc là cơ sở để nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử; góp phần tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Việc dạy sử, học sử luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia, cũng như trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi mặt trái nền kinh tế thị trường cùng những tác động của lối sống thực dụng, ham hưởng thụ đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ thì việc giáo dục lịch sử càng trở lên quan trọng.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Kế hoạch số 770/KH-BGDĐT. Theo đó, môn Lịch sử được chuyển thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, để kịp thời triển khai thực hiện trong năm học 2022 - 2023 ở lớp 10 cấp THPT, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy bắt buộc cho tất cả học sinh. Quyết định này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và dư luận.
GS.TS Sử học Đỗ Thanh Bình, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: Công Luân). |
Theo GS.TS Sử học Đỗ Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, môn Lịch sử có những đặc trưng đặc biệt, gắn liền với đất nước, gắn liền với mọi người dân, đặc biệt là những người từng chiến đấu bảo vệ đất nước, là nền tảng của dân tộc. Môn học này có chức năng rất rõ ràng là giáo dục lòng yêu nước, mà nước ta lại rất đặc biệt, trong bối cảnh cần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. "Không ai bỏ được lịch sử dân tộc, không nước nào bỏ được lịch sử dân tộc”, GS.TS Sử học Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam rất ủng hộ chủ trương chuyển Lịch sử thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông. Ông cho rằng, Lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử. Không phải chỉ học đến cấp THCS đã hiểu về lịch sử, ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này. Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước. Lịch sử cũng không đóng khung trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới.
"Chúng ta học lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình giáo dục”, GS Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) thuyết trình tiết học Lịch sử. Ảnh: H.Thảo. |
Các chuyên gia cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT triển khai xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy bắt buộc cho tất cả học sinh là hoàn toàn phù hợp. Bởi xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện khơi dậy truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Về tâm sinh lý lứa tuổi, so với các bậc học trước đó, học sinh THPT có sự trưởng thành về nhận thức, có khả năng tiếp nhận tốt hơn những kiến thức về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc, quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Và trên thế giới, Lịch sử trong chương trình THPT luôn là môn học bắt buộc.
Cần nhấn mạnh, trong hệ thống các môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông, môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc. Môn Lịch sử cũng củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu. Quyết định chuyển Lịch sử thành môn học bắt buộc đã đưa môn Lịch sử về đúng với vị trí, vai trò vốn có; đồng thời, cũng là cơ sở để nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử.
Bên cạnh việc ủng hộ chủ trương chuyển Lịch sử thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông, nhiều ý kiến cũng đặt ra vấn đề cần nâng cao sức hấp dẫn của môn Lịch sử đối với người học, nhất là trong điều kiện Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến giáo dục, đào tạo như hiện nay.
Khách quan nhìn nhận, việc dạy học môn Lịch sử trong những năm qua còn không ít bất cập, như nội dung khô khan, cứng nhắc; học sinh thiếu hứng thú với môn học; kết quả thi môn Lịch sử chưa cao… Vì vậy, ngay cả khi đã trở thành môn học bắt buộc thì việc dạy, học môn Lịch sử chỉ đạt được hiệu quả khi phát huy được vai trò chủ thể của người dạy và người học theo phương châm “thầy tâm huyết, trò hứng thú”.
Cần đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao tính hấp dẫn của những giờ học Lịch sử . (Ảnh: Hà My). |
Mỗi giáo viên dạy môn Lịch sử cần thấy rõ vinh dự, trách nhiệm của người dạy; chủ động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để đến mỗi tiết học môn Lịch sử tạo cho học sinh hứng thú hơn, say mê hơn. Trên cơ sở bám sát thực tiễn đời sống xã hội, các nhà trường cần đẩy mạnh ứng dụng những phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của học sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động thực hành bộ môn. Thực hiện đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học Lịch sử, có thể ở trong phòng học, cũng có thể triển khai bên ngoài, tại các di tích lịch sử, bảo tàng hoặc mô hình lịch sử. Đẩy mạnh việc sử dụng đồ dùng dạy học ứng dụng công nghệ thông tin để bài học Lịch sử trở lên phong phú, sinh động, dễ tiếp thu, khắc sâu kiến thức cho học sinh.
Thực tế cho thấy, chỉ khi giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy thì môn học Lịch sử mới có thể lôi kéo học sinh tham gia tìm hiểu, học tập và làm chủ kiến thức. Và khi đó, Lịch sử không đơn thuần là môn học thuộc lòng khô khan, nhàm chán mà là môn học vừa giúp học sinh rèn luyện tư duy phân tích, đánh giá, nhận định vấn đề, vừa giúp các em bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc để có thể phát triển phẩm chất và năng lực một cách toàn diện.
Ở góc nhìn khác, ngành Giáo dục các cấp cần tăng cường đầu tư trang, thiết bị sư phạm và thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng để đội ngũ giáo viên Lịch sử có điều kiện ứng dụng các phương pháp giảng dạy tích cực; tạo môi trường thuận lợi để giáo viên mạnh dạn đổi mới phương pháp sư phạm; quan tâm, cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên, có chính sách đãi ngộ hợp lý để họ không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử; kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong dạy và học môn Lịch sử. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá bảo đảm cân đối các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và định hướng thái độ của học sinh, gắn kiểm tra kiến thức với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Lịch sử là môn học đặc thù bởi lịch sử luôn gắn liền và song hành với chính trị, là cội nguồn của mọi quốc gia, dân tộc, thể chế. Giá trị lớn nhất của giáo dục lịch sử là giúp chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá khứ và giáo dục cho thế hệ trẻ biết rõ cội nguồn gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước, biết quý trọng những giá trị của lịch sử để kế thừa và phát huy các giá trị đó cho hiện tại và tương lai. Nói cách khác, Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.
Chuyển Lịch sử thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông không chỉ là quyết định phù hợp, kịp thời của Bộ GD&ĐT, mà còn là điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử, khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế của môn Lịch sử trong thực tiễn đời sống sư phạm cũng như ý nghĩa của việc học sử, hiểu sử như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước./.