Dân số Nhật Bản giảm năm thứ 10 liên tiếp
(ĐCSVN) – Chính phủ Nhật Bản ngày 10/7 cho biết, dân số nước này đã giảm xuống còn gần 124,8 triệu người (tính đến 1/1/2019), mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi việc thống kê bắt đầu từ năm 1968. Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục được cho là nguyên nhân chính dẫn đến điều này.
Theo số liệu từ Chính phủ Nhật Bản, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp số trẻ được sinh ra ở nước này chưa đến con số 1 triệu. Năm 2018, số trẻ được sinh ra giảm xuống còn 921.000, trong khi số người chết lên tới 1.363.564 người, tăng năm thứ sáu liên tiếp.
Trong năm 2018, dân số Nhật Bản giảm hơn 433.239 người, xuống còn 124.776.364 người (không bao gồm người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản), đánh dấu năm giảm thứ 10 liên tiếp.
Số người ở độ tuổi 65 trở lên chiếm 28,06%, tăng 0,4% so với một năm trước đó. Trong khi, tỷ lệ người dân ở độ tuổi 15 – 64 (nhóm dân số ở độ tuổi làm việc) chiếm 59,49%, giảm 0,28%.
Sự suy giảm dân số được ghi nhận ở 42 tỉnh, thành, trong đó Hokkaido có sự suy giảm mạnh nhất với mức giảm 39.461 người. Một vài địa phương có dân số tăng là Tokyo (tăng 73.205 người, lên mức 13,19 triệu người), Saitama, Chiba, Okinawa và Kanagawa.
Nguyên nhân khiến dân số Nhật Bản sụt giảm được giới phân tích nước này chỉ ra là do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 25 tuổi đến 39 tuổi giảm mạnh tới 21% trong 10 năm trở lại đây. Điều này đã kéo theo số trẻ em được sinh ra giảm và tỷ lệ già hóa ngày càng tăng.
Trong khi đó, điều đáng chú ý là số người nước ngoài ở Nhật Bản lại có sự gia tăng thêm 169.543 người, lên 2.667.199 người (so với con số cách đó một năm), với tất cả 47 tỉnh, thành đều chứng kiến sự gia tăng trong bối cảnh các công ty tuyển người nước ngoài đến làm việc, do thiếu lao động.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới và tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất. Theo một ước tính, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, tăng từ mức 23% vào năm 2010. Dân số già sẽ tạo ra những gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia. Lực lượng lao động sẽ phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an ninh xã hội./.