Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương

Thứ Sáu, 11/03/2022 19:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Thực tế cho thấy, vẫn còn những tồn tại và thách thức trong việc bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi, giáo dục nghề nghiệp của người khuyết tật do các tồn tại trong văn bản pháp luật, chính sách chung và trong việc triển khai thi hành pháp luật.

Ngày 11/3, Bộ Tư pháp Việt Nam đã phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNPD tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo báo cáo rà soát, đánh giá chính sách và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi, quyền tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của người khuyết tật. 

Vẫn còn những tồn tại, thách thức trong bảo đảm quyền cho nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cho biết, trong những năm qua cùng với phát triển kinh tế, Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy, đầu tư nâng cao hiệu quả và khuyến khích triển khai chương trình, giải pháp nhằm thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi quyền tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của người khuyết tật (sau đây gọi tắt là nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương). Cho đến nay, hệ thống pháp luật đã dần được hoàn thiện trên nền tảng của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên cùng với quá trình hội nhập, nhiều thách thức trong quá trình triển khai sâu rộng các hoạt động phát triển kinh tế cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quyền tiếp cận giáo dục của nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương.

Bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú Trưởng phòng quản trị và Tham gia UNDP cho hay, quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em được quy định tại Công ước về quyền trẻ em và quyền tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của người khuyết tật được quy định trong Công ước về quyền của người khuyết tật. Đây là 2 Công ước mà Việt Nam là thành viên, thông qua những nỗ lực to lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, quyền tiếp cận giáo dục của những nhóm yếu thế nêu trên đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật từ Luật đến các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại và thách thức trong việc bảo đảm quyền này do các tồn tại trong văn bản pháp luật, chính sách chung và trong việc triển khai thi hành pháp luật. Với Hội nghị này, bà mong muốn nhận được nhiều khuyến nghị để hoàn thiện pháp luật và chính sách nhằm đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục đối với nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương.

Đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương. Ảnh: TH. 

Hoàn thiện pháp luật, tăng cường giám sát

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo, TS Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết: Qua rà soát, riêng các văn bản liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi có khoảng 50 văn bản từ Luật đến Quyết định của Bộ trưởng. Hệ thống chính sách phát triển giáo dục nói chung và chính sách phát luật đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành khá đầy đủ, bao gồm: chính sách ưu tiên tuyển sinh; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội; học bổng hỗ trợ học tập; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người; chính sách tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, bảo tồn văn hóa của người dân tộc thiểu số, chế độ đối với giáo viên, cán bộ quản lý…

Bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống chính sách giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi còn tồn tại một số hạn chế như: chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo còn thấp, chưa phù hợp thực tiễn; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến giáo dục và đào tạo của trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi chưa được rà soát, xử lý kịp thời, triệt để cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội;… Việc thực thi và giám sát thực thi chính sách liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự hiệu quả…

Liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của người khuyết tật, nhóm nghiên cứu đã rà soát 46 văn bản quy phạm pháp luật, cho thấy có nhiều chính sách đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện: Chính sách về ưu tiên nhập học, tuyển sinh; miễn giảm một số môn học hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục; chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật…

Tuy nhiên, những chính sách liên quan đến dạy nghề cho người khuyết tật vẫn còn một số điểm chung chung dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn. Cơ chế giám sát thực thi các chính sách liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của người khuyết tật chưa phát huy được vai trò và hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với công tác này. 

Để quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi, quyền tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của người khuyết tật, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quan tâm, chú trọng hơn nữa việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số trong cơ sở giáo dục. Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách đối với các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật năm 2010; sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hướng quy định điều kiện thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tăng cường giám sát thực thi luật pháp, chính sách và tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong ban hành các quyết định và hoạt động giám sát…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN