Đảm bảo nhu cầu tín dụng chính sách cho những đối tượng đặc thù
(ĐCSVN) - Các ý kiến phản biện cho rằng, Nghị quyết ban hành và bổ sung, mở rộng đối tượng đặc thù được vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội là rất cần thiết, đúng thời điểm, đúng định hướng về an sinh xã hội của TP Hà Nội và đặc thù của Thủ đô trong công tác tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận Hội nghị.
|
Ngày 28/8, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội của thành phố Hà Nội. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải.
Bố trí khoảng 3.900 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng đặc thù
Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội của thành phố Hà Nội quy định một số đối tượng đặc thù được thụ hưởng chính sách tín dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn Hà Nội thông qua các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai theo nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Nghị quyết quy định bổ sung đối tượng vay vốn đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn thành phố Hà Nội đối với một số chương trình tín dụng đang triển khai tại Ngân hàng CSXH cụ thể:
Thứ nhất, chương trình cho vay học sinh sinh viên: Hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; hộ gia đình có vợ, chồng là người dân tộc thiểu số, người mù, người khuyết tật, hoặc có vợ, chồng đã chết; hộ gia đình có thành viên là người có công theo quy định pháp luật về người có công.
Thứ hai, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường: Hộ gia đình cư trú tại thị trấn thuộc huyện và phường thuộc quận, thị xã trên địa bàn Thành phố chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.
Thứ ba, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: Người lao động có việc làm đang đóng BHXH bắt buộc có thu nhập thấp hơn mức thu nhập bình quân của người lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố được Cục thống kê Thành phố công bố theo từng năm.
Nguồn vốn triển khai cho vay các đối tượng nói trên từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH, gồm nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH Thành phố và nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác qua Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện.
Nguồn kinh phí dự kiến bố trí để đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng đặc thù nói trên trong năm 2025 là khoảng 700 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là khoảng 3.900 tỷ đồng.
HĐND TP giao UBND TP chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này, trong đó tổ chức tuyên truyền triển khai thực hiện chính sách bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định và công khai, minh bạch, tránh tiêu cực; phân bổ nguồn vốn cho vay đến các địa bàn theo quy định…
Dự kiến Nghị quyết được HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Kỳ họp thứ 18 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết tại Hội nghị. |
Cần bổ sung, mở rộng đối tượng đặc thù được vay
Phát biểu ý kiến đóng góp, các đại biểu cho rằng, để tránh tiêu cực, lợi dụng chính sách cho vay ưu đãi đặc thù để trục lợi trong quá trình xét đối tượng được vay, quản lý, xét duyệt mức vay, cần phải có quy định cụ thể, chi tiết của cơ quan quản lý và Ngân hàng chính sách xã hội của Thành phố, đơn vị cho vay. Từ đó, các đại biểu đề nghị, cơ quan dự thảo Nghị quyết cần phân tích, tính toán thêm tổng số nhu cầu vốn vay của từng nhóm đối tượng vay và tổng số vốn dự kiến cho năm 2025 và các năm từ 2026-2030.
Theo PGS. TS, Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố, hiện nay, cuộc sống của đại đa số người dân còn khó khăn, nhất là gia đình neo đơn, gia đình đông con và con lại đang trong độ tuổi đi học, công ăn việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh… Vì vậy, Nghị quyết ban hành và bổ sung, mở rộng đối tượng đặc thù được vay là rất đúng thời điểm, cần thiết, đúng định hướng về an sinh xã hội của Thành phố cũng như đặc thù của Thủ đô trong việc tạo công ăn, việc làm và giảm tỷ lệ hộ nghèo.
TS Kinh tế Nguyễn Đình Dương, Nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế - Xã hội cho rằng nên làm rõ thêm tiêu chí hoặc tiêu chuẩn của đối tượng cho vay là hộ gia đình và người lao động ở thành phố Hà Nội. Riêng Tờ trình của UBND Thành phố nên bổ sung báo cáo sơ kết hoặc thông tin kết quả và hạn chế trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng chính sách xã hội trong 2-3 năm gần đây để tìm ra hướng đi đúng.
Để khắc phục những tồn tại về đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện cho những đối tượng khó khăn trên địa bàn Thành phố được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu học tập, đời sống, việc làm, nâng cao đời sống của Nhân dân Thủ đô, các đại biểu cho rằng, cần thiết xem xét bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại Hội nghị.
|
Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, tránh phát sinh tiêu cực
Làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ: Thành phố luôn xác định gắn tăng trưởng kinh tế với đảm bảo công bằng xã hội và quan điểm tư tưởng này phải đi vào thực chất. Trong bối cảnh này, chính sách xã hội cùng với các chính sách, chương trình, cuộc vận động của MTTQ là rất quan trọng, là yếu tố căn cơ để thực hiện quan điểm chỉ đạo vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo đời sống người dân.
Nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua ngân hàng chính sách Thành phố thời gian qua đã giúp Thành phố giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân và tiến tới chấm dứt cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Qua đó, góp phần đưa hộ nghèo Thành phố năm 2023 còn 0,23%, tiến tới năm 2025 là không còn hộ nghèo. Thành phố cũng đã kiến nghị với Trung ương tiếp tục nâng cao nguồn lực, đảm bảo nhu cầu tín dụng chính sách cho Nhân dân, trong đó, mở rộng đối tượng và mức cho vay; đảm bảo quan điểm tiến bộ, công bằng, bền vững, công khai, minh bạch với phương châm thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ và hiệu quả thực chất…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải khẳng định việc ban hành Nghị quyết là đúng thẩm quyền, chức năng, thủ tục; đồng thời, nhấn mạnh sự quyết tâm của các cấp, ngành trong thực hiện Nghị quyết đóng vai trò quan trọng để nghị quyết đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người dân. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Thành phố sẽ phân công rõ trách nhiệm từng sở, ngành; đưa chuyển đổi số vào công tác cho vay, đặc biệt công khai minh bạch, đẩy mạnh giám sát để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương thống nhất cao sự cần thiết ban hành Nghị quyết bởi tính ưu việt, hợp với lòng dân, phù hợp với điều kiện tài chính hiện nay của Thành phố. Nghị quyết sẽ góp phần thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình số 08 của Thành ủy Hà Nội; tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chênh lệch giàu nghèo.
“Toàn bộ ý kiến góp ý sẽ được MTTQ TP tiếp thu, tổng hợp, báo cáo cơ quan chuyên môn. Để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết, TP và các cơ quan liên quan cần có kế hoạch chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát; đặc biệt đúng như chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP là phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận chính sách dễ dàng, tránh phát sinh tiêu cực; đồng thời có đánh giá tác động tới các giới, đối tượng thụ hưởng”- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nêu rõ./.