Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí
(ĐCSVN) - UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ của Ban chỉ đạo với 04 nhóm nội dung lớn, trong đó có 23 vấn đề cụ thể để tập trung rà soát, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, quyết tâm đưa nội dung phòng, chống lãnh phí thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục với mục tiêu tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để phát huy nguồn lực đầu tư xã hội từ đất đai, tài nguyên, vốn đầu tư ngoài ngân sách…
Quang cảnh Hội nghị. |
Ngày 20/11, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.
Đơn vị đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí
Trên tinh thần tiếp tục chỉ đạo tăng cường quán triệt, tập trung triển khai giải quyết triệt để, quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới đối với công tác phòng, chống lãng phí; Ngày 20/11/2024, UBND TP Hà Nội quyết định ban hành Quyết định số 6037/QĐ-UBND thành lập “Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội” do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, với 22 thành viên gồm lãnh đạo UBND TP và Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của thành phố Hà Nội năm 2025 và các năm tiếp theo theo từng ngành, lĩnh vực của Thành phố.
Tại Quyết định thành lập, UBND TP đã giao nhiệm vụ của Ban chỉ đạo với 04 nhóm nội dung lớn, trong đó có 23 vấn đề cụ thể để tập trung rà soát, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, quyết tâm đưa nội dung phòng, chống lãnh phí thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục với mục tiêu tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để phát huy nguồn lực đầu tư xã hội từ đất đai, tài nguyên, vốn đầu tư ngoài ngân sách, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư công, các khoản chi từ ngân sách nhà nước.
Với việc ban hành Quyết định này, Hà Nội là Thành phố đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí; thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của Thành phố.
Tập trung cải cách, thay đổi quy trình thủ tục để giảm thời gian làm thủ tục
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, phòng chống lãng phí không phải việc bây giờ Tành phố mới làm. Thời gian qua, Thành phố đã tập trung nhận diện, rà soát 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Có những dự án kéo dài chục năm chưa triển khai, có những dự án thu hồi dở dang gây lãng phí. Thành phố đưa các dự án vào diện tháo gỡ để vận hành lại. Với các dự án không thể triển khai vì nhiều lý do khách quan, pháp lý, Thành phố đã tiến hành thu hồi.
Về tài sản công, Hà Nội tập trung rà soát lại tài sản công để quản lý, tránh gây lãng phí; đặc biệt Thành phố rà soát lại quỹ nhà chuyên dùng. Việc này góp phần xây dựng một hệ thống quản lý tài sản công không chỉ bền vững mà còn góp phần phát huy tối đa tiềm năng và giá trị của các nguồn lực.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chậm về thời gian thực hiện dự án, chưa quản lý hiệu quả các nguồn lực là những điều gây lãng phí rất lớn. Chính vì vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí thể hiện một góc nhìn mới về việc phòng chống lãng phí của Thành phố. Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có tổ công tác đặc biệt để đối thoại với doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giải quyết hiệu quả.
Trong 4 nhóm nhiệm vụ cụ thể của Ban chỉ đạọ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn Ban chỉ đạo sớm ban hành Quy chế ngay trong tuần sau. Trong đó, xác định, nhận diện các nhóm nội dung về phòng chống lãng phí để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặc biệt lưu ý về thể chế và quy trình của các cơ quan Thành phố còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hiệu quả giải quyết công việc chung. “Nhiều lúc lãnh đạo Thành phố chỉ đạo yêu cầu rà soát lại việc gì đó thì cỡ vài ba tháng mới xong, như vậy quá chậm. Chúng ta phải nhìn nhận, thời gian là quan trọng. Nếu thủ tục một dự án kéo dài sẽ gây ra lãng phí rất lớn” - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nói. Đồng thời yêu cầu các đơn vị phải tập trung cải cách, thay đổi quy trình thủ tục để giảm thời gian làm thủ tục.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, phòng chống lãng phí là vấn đề lâu dài, tác động đến quản lý quản trị vận hành của bộ máy. Vì vậy, cần xây dựng văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các Sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã cần nhận thức đầy đủ, có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm thúc đẩy đưa các tài nguyên, tiềm năng của Thành phố trở thành động lực và nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội.
Đồng lòng chống lãng phí
Ngay sau khi công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND TP Hà Nội, trong buổi sáng 20/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về tình hình triển khai, các tồn tại, vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân), một trong những dự án chậm tiến độ kéo dài đang được dư luận xã hội quan tâm.
Sau khi nghe các ý kiến báo cáo của các đơn vị chức năng có liên quan, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, thành phố đã tập trung nhận diện, rà soát 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Trong đó, có những dự án kéo dài 10 năm chưa triển khai, có những dự án thu hồi dở dang gây lãng phí. Thành phố đã đưa các dự án vào diện tháo gỡ để vận hành lại. Với các dự án không thể triển khai vì nhiều lý do khách quan, pháp lý, thành phố đã tiến hành thu hồi.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. |
Nhấn mạnh quan điểm của thành phố trong việc xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, các dự án công viên rất quan trọng đối với thành phố. Bởi các dự án này sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm bớt ô nhiễm môi trường, tăng diện tích cây xanh và không gian vui chơi giải trí cho dân cư nội đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải làm tốt hơn phần trách nhiệm của mình đối với dự án công trình công cộng; không thể có chuyện dự án khu đô thị đã làm xong từ lâu mà dự án công trình xã hội cả chục năm vẫn chưa hoàn thành.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh giao Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn giám sát chặt chẽ tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) của hai quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân, chậm nhất ngày 15/12/2024 phải xong để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Trên tinh thần không chờ đợi, dứt khoát không lùi tiến độ dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tạo cơ chế thông thoáng để làm dự án công cộng phục vụ nhân dân, vừa GPMB, vừa phải hoàn thành các thủ tục thi công. Mục tiêu cụ thể là đến Tết Nguyên đán 2025, dự án Công viên hồ Phùng Khoang phải hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Trên tinh thần người dân Thủ đô và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền TP Hà Nội cùng đồng lòng chống lãng phí với trách nhiệm cao nhất, thúc đẩy đưa các tài nguyên, tiềm năng của Thành phố trở thành động lực và nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội; UBND TP Hà Nội công bố kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân Thủ đô về các vấn đề, vụ việc, hành vi gây thất thoát, lãng phí trên các kênh thông tin chính thống: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hà Nội (địa chỉ: https://hanoi.gov.vn); ứng dụng Công dân số Thủ đô - iHanoi./.