Đảm bảo chủ động cung ứng điện cho nền kinh tế
(ĐCSVN) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Ảnh minh họa: KD |
Ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực để đầu tư thích đáng cho phát triển ngành Điện với mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, EVN phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, tích cực tham gia vào xây dựng định hướng chiến lược phát triển năng lượng, chiến lược phát triển ngành điện, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ tới.
Năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng; năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; bầu cử Hội đồng nhân dân, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương các cấp; năm về đích của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trên phương diện quốc tế, là năm Việt Nam là chủ tịch ASEAN và là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc… Trong điều kiện thuận lợi và khó khăn đan xen, dự báo ngành Điện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. EVN phải nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp EVN đề ra cho năm 2020; tinh thần chung lớn nhất là phải đảm bảo chủ động cung ứng điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt, không được để thiếu điện - đây là mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN với vai trò trụ cột trong ngành Điện, trong điều kiện khó khăn về cung ứng điện do chậm tiến độ nhiều nguồn điện, cộng thêm điều kiện hạn hán, nước về các hồ thủy điện thấp, EVN phải phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo trong ngành điện, tính toán các biện pháp thích hợp để điều hành hệ thống tốt nhất, đảm bảo cung ứng điện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Nếu thiếu khí phải ưu tiên cho phát điện
Để xử lý một số việc còn chưa có sự thống nhất và thông suốt trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải phối hợp điều hành tốt về cung cấp than và khí cho phát điện với quan điểm là nếu thiếu khí phải ưu tiên cho phát điện.
Tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện được giao đúng tiến độ, nhất là đối với các dự án trọng điểm, cấp bách. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nguồn điện đang triển khai hiện nay, gồm các nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1, Dung Quất 3, Ô Môn 3, Ô Môn 4; các dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng; dự án thủy điện tích năng Bác Ái.
Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải giải quyết nhanh các kiến nghị của EVN và Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam để thúc đẩy, đảm bảo tiến độ các dự án điện, không để tình trạng trì trệ kéo dài như trường hợp các dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2... Yêu cầu các cấp, các ngành liên quan thường xuyên giao ban, đôn đốc kiểm tra tiến độ để giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư lưới điện truyền tải đồng bộ để giải tỏa công suất các nhà máy điện BOT Hải Dương, Nghi Sơn 2, Vân Phong 1, các nhà máy điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là các khu vực có bức xạ mặt trời cao như tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án điện cấp bách; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2020 để xem xét, ban hành tạo điều kiện triển khai nhanh các dự án cấp bách, góp phần đảm cung ứng điện trong giai đoạn tới.
Các địa phương liên quan như Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ v.v…, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện, giải quyết nhanh các thủ tục, vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án lưới điện truyền tải, không để chậm trễ, ách tắc việc này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu EVN đẩy mạnh thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại Tập đoàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu tự cường trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Tiếp tục tiết kiệm chi phí sản xuất, đầu tư xây dựng các dự án bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ để phát triển tốt hơn.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực và sử dụng điện. EVN phải gương mẫu trong thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than để tạo sự đồng thuận của nhân dân, khai thác hiệu quả các nhà máy điện than gắn với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương có nhà máy. Bộ Công Thương có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy mô phát triển nhiệt điện than trong quá trình lập, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII)./.