Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đắk Nông giải ngân hơn 578 tỷ đồng cho Chương trình 1719

Thứ Năm, 03/10/2024 18:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông được bố trí hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719).

Nông dân Đắk Nông áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. (Ảnh: baodaknong.vn) 

Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước phân bổ giai đoạn 2021-2025 cho Chương trình 1719 là hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã thực hiện giải ngân hơn 578 tỷ đồng, đạt gần 50% so với tổng kế hoạch vốn.

Nguồn lực của Chương trình 1719 bảo đảm thực hiện 10 dự án, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết cho người dân như: giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống.

Cụ thể, Chương trình 1719 đã hỗ trợ đất ở 59 hộ; được hỗ trợ nhà 271 hộ; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp 358 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán hơn 1.600 hộ…

Theo đánh giá, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình 1719 đã và đang góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên toàn tỉnh Đắk Nông tăng thêm 44,6 triệu đồng, đạt mức 59,6 triệu đồng/người/năm. Con số này gấp 4 lần so với thu nhập năm 2011.

Được biết, hiện tỉnh Đắk Nông đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn, cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, các địa phương đã hỗ trợ người dân, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhiều mô hình sản xuất, làm ăn kinh tế mang lại hiệu quả cao như: nuôi bò, nuôi dê, nuôi gà, trồng dâu nuôi tằm. Một số tổ hợp tác về dệt thổ cẩm, làm rượu cần, đan lát của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ vốn để phát triển, hoạt động hiệu quả và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống… Qua đó, góp phần hiệu quả về công tác giảm nghèo. Về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra (phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025).

Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông.

Theo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, trong thời gian tiếp theo, việc tổ chức thực hiện các nội dung, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện huyện nghèo. Các ngành, địa phương khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; không sử dụng vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên. Địa phương phải ưu tiên lựa chọn các nội dung hỗ trợ có định mức cao hơn; bảo đảm nguyên tắc không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.

Quá trình triển khai phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Các dự án ưu tiên những công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân./..

BC (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN