Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đắk Nông chủ động phòng chống bệnh thủy đậu

Thứ Tư, 21/02/2024 14:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Để xử lý triệt để các ổ dịch thủy đậu, không để dịch bệnh lây lan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ y tế địa phương trong công tác xử lý ổ dịch, đồng thời tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh và vận động người dân tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu theo khuyến cáo…

Trẻ em bị mắc bệnh thủy đậu. (Ảnh: Sầm Hiền) 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 16/01/2024 - 24/01/2024 toàn tỉnh Đăk Nông ghi nhận 05 ổ dịch bệnh thủy đậu với 34 ca mắc tại 5/71 xã phường/thị trấn thuộc 2/8 huyện, thành phố. Trong đó, huyện Đăk Song đã ghi nhận 13 ca và huyện Krông Nô 21 ca. Trong số 34 ca  bệnh thủy đậu thì có tới 33 trường hợp là học sinh và 01 trường hợp người lớn. Đến nay, các trường hợp mắc bệnh thủy đậu chưa xác định được nguồn lây. Tuy nhiên, tại các ổ dịch đã được phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý  kịp thời nên đã hạn chế được số ca mắc.

Để xử lý triệt để các ổ dịch thủy đậu, không để dịch bệnh lây lan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã hỗ trợ y tế địa phương trong công tác xử lý ổ dịch thủy đậu. Cụ thể, đối với các trường hợp mắc bệnh thủy đậu tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà may mắn đã tổ chức cách ly các trường hợp có triệu chứng lùi bệnh với các trường hợp có triệu chứng toàn phát. Tổ chức giám sát, báo cáo tình trạng bệnh nhân cách ly y tế tại nhà. Hướng dẫn triển khai vệ sinh môi trường, lau nhà khử khuẩn hằng ngày bằng Cloramin B hoặc chất khử khuẩn thông thường. Tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cho người nhà, người bảo trợ thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu và cách khử khuẩn các vật dụng có liên quan đến bệnh nhân. Đồng thời, vận động phụ huynh học sinh đưa con em đi tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu và thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu tại hộ gia đình theo khuyến cáo.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã hướng dẫn y tế các địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh thuỷ đậu trên địa bàn nói chung và tại các ổ dịch đã ghi nhận nói riêng. Các địa phương đã ghi nhận ổ dịch, cán bộ trạm y tế cần phối hợp với các trường học tổ chức giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong suốt thời gian ổ dịch đang hoạt động. Chủ động giám sát, phát hiện sớm và cách ly kịp thời các trường hợp mắc mới, thực hiện khử trùng, khử khuẩn theo quy định. Phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện về bệnh thuỷ đậu và các biện pháp phòng chống bệnh thuỷ đậu.

 Lực lượng chức năng phun khử khuẩn các ổ dịch thủy đậu ở trên địa bàn huyện Đắk Song. Ảnh: Bảo Lâm

Tại những địa phương chưa ghi nhận ca bệnh thủy đậu, cần tăng cường công tác giám sát chủ động các bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế trên địa bàn (kể cả các phòng khám tư nhân) và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca mắc/ổ dịch, triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, khoanh vùng và xử lý dịch. Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh Thuỷ đậu trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo,…). Khuyến cáo người dân khi phát hiện các trường hợp mắc thuỷ đậu hoặc bản thân, gia đình có người mắc thuỷ đậu cần thông báo ngay cho Trạm Y tế trên địa bàn để được tư vấn, hướng dẫn điều trị, cách ly theo quy định. Khuyến cáo người dân tự chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh bằng việc tiêm vắc xin, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao.

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella rota vi rút gây nên. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, rất dễ lây khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, tốc độ lây lan nhanh chóng, có thể gây thành dịch bệnh trong thời gian ngắn. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, khi thời tiết ẩm nồm là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất. Bệnh lành tính nhưng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được điều trị các biến chứng kịp thời./.

H.T (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN