Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đắk Lắk: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

Thứ Ba, 10/05/2016 16:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Là một tỉnh miền núi, có số đông đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) từ 2010-2015, đến nay, bộ mặt nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều khởi sắc rõ rệt.

Phát triển cây công nghiệp là một trong những thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk
nhằm nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: BT)

Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc

Trước khi triển khai chương trình xây dựng NTM, hầu hết các xã của tỉnh Đắk Lắk đều ở xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Toàn tỉnh mới có 3 xã đạt từ 10-12 tiêu chí NTM, chiếm tỷ lệ 2%; 51 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 34%, 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 53%; bình quân toàn tỉnh mới chỉ đạt 3,34% tiêu chí/xã. Nhiều xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở các huyện nghèo, huyện biên giới chỉ đạt 1-2 tiêu chí.

Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, số lượng đạt các tiêu chí NTM được nâng dần. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 7 xã đạt chuẩn NTM, 40 xã đạt từ 13-18 tiêu chí, 34 xã đạt từ 10-12 tiêu chí, 62 xã đạt 5-9 tiêu chí. 

Trong công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM, đã có 152/152 xã lập đề án được UBND cấp huyện phê duyệt; 15 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành và phê duyệt, đạt tỷ lệ 100%.

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Đắk Lắk xác định việc phát triển sản xuất là yếu tố cốt lõi của xây dựng NTM. Bởi vậy, sau 5 năm, toàn tỉnh có 17 đề án lớn về phát triển sản xuất đang triển khai, có trên 350 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, chủ yếu là các mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ về hình thức sản xuất với một số mô hình tiên tiến như: mô hình trang trại, mô hình hợp tác xã và tổ hợp tác, mô hình liên minh sản xuất nông nghiệp cạnh tranh đã được xây dựng và phát triển gắn với chương trình xây dựng NTM.

Trong 5 năm, tỉnh đã triển khai 133 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó có 42 nhiệm vụ thuộc các chương trình hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn; chương trình công nghệ sinh học, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức, triển khai đề tài nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng xã NTM ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đề xuất những chính sách đặc thù cho việc xây dựng xã NTM tại các xã này theo hướng nhanh, bền vững. Hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 22 triệu đồng trở lên, chiếm tỷ lệ 48,7%, tăng 57 xã so với năm 2010 (đạt 74/152 xã).

Về giao thông, tổng số km đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa và bê tông xi măng đạt 11.694km đường xã, đường thôn buôn, đường ngõ xóm và 3.872 km đường nội đồng. Ở hệ thống tưới tiêu, trên địa bàn tỉnh có 770 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, gồm 599 hồ chứa, 115 đập dâng, 56 trạm bơm tưới cung cấp nước cho các loại cây trồng như: lúa, cà phê, ngô, rau màu và 1 phần cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản. Các công trình tưới trực tiếp và hỗ trợ tưới được 243.470ha/320.000ha diện tích cây trồng chính sử dụng nước, đảm bảo cung cấp nước tưới đạt 76,09%. Tính đến nay, đã có 61/152 xã đạt tiêu chí thủy lợi, chiếm tỷ lệ 40,1%, tăng 51 xã so với năm 2010.

Về tiêu chí điện, hiện nay, toàn tỉnh có 152/152 xã có điện, đạt tỷ lệ 100%, số hộ sử dụng điện chiếm tỷ lệ 94,2%, trong đó số hộ có điện thường xuyên an toàn chiếm 96,2% số hộ sử dụng điện. Đến nay, 95/152 xã đạt tiêu chí về điện, chiếm tỷ lệ 62,5%, tăng 64 xã so với năm 2010. Về tỷ lệ hộ nghèo, toàn tỉnh đã giảm từ 81.053 hộ năm 2010 xuống còn 41.593 hộ năm 2014; giảm từ 20,82% xuống còn 10,02%, bình quân giảm 2,7%/năm.  

Nhìn chung, qua thời gian thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM, xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động khắp tỉnh. Đồng thời, bộ máy tổ chức về công tác NTM các cấp thường xuyên được kiện toàn, đi vào hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, đặc biệt đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, chỉ đạo chương trình hiệu quả hơn.

Hệ thống kênh mương nội đồng đang được địa phương tiếp tục hoàn thiện để cấp nước tưới cho cây trồng
 (Ảnh: BT)
Sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn

Qua 5 năm triển khai, xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, quy mô nền kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chất lượng tăng trưởng chung chậm được cải thiện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh. Năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn còn yếu, sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, huy động vốn đầu tư xã hội đạt thấp.

Công tác quản lý tài nguyên môi trường còn nhiều hạn chế, các lĩnh vực văn hóa xã hội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Ở nhiều vùng, vai trò chủ thể của người nông dân chưa thực sự được phát huy, một bộ phận nông dân còn mang nặng tư duy sản xuất nhỏ, thụ động, chậm thích nghi với mô hình tăng trưởng mới trong sản xuất, kinh doanh.

Một số hạ tầng thiết yếu đạt được còn ở mức thấp như giao thông, thủy lợi, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa,….Các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyên nhân của những tồn tại trên có thể kể đến do xuất phát điểm của đa số các xã còn thấp, trong khi nguồn lực của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Đặc thù là tỉnh miền núi nên gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, địa bàn rộng, diện tích bình quân các xã hơn 8.300 ha/xã, dân cư phân tán, thưa thớt nên việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn khó thực hiện do kinh phí đầu tư quá lớn, việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn.

Phấn đấu có trên 40% số xã cơ bản đạt 19 tiêu chí

Trong giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk phấn đấu có trên 40% số xã cơ bản đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia NTM, từ 2-3 đơn vị cấp huyện hoàn thành việc xây dựng NTM, 35 xã đạt từ 15-18 tiêu chí trở lên, không còn xã dưới 7 tiêu chí, các xã chưa đạt chuẩn NTM tăng từ 2-3 tiêu chí/năm. Đồng thời, bình quân tiêu chí xã đạt 14,2 tiêu chí, các xã đạt chuẩn NTM phấn đấu giữ vững và nâng chất lượng tiêu chí.

Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu 60% số xã có cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội cơ bản đạt tiêu chí NTM; mức thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 7%, lao động qua đào tạo đạt 60%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%, 98% hộ nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia.

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, theo UBND tỉnh Đắk Lắk, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về chương trình xây dựng NTM. Đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá các mô hình tiêu biểu, cách làm hay cũng như kịp thời uốn nắn những biểu hiện sai lệch, chạy theo thành tích trong quá trình thực hiện Chương trình. Tổ chức tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM.

Một trong những giải pháp quan trọng nữa là tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thực hiện chương trình theo hướng xây dựng, ban hành chính sách đối với các vùng đặc thù, trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã như giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học,…nhất là đối với các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Tiếp tục huy động nhiều nguồn lực ngoài ngân sách, tín dụng, doanh nghiệp, các tổ chức, các tổ chức xã hội và vận động đóng góp của người dân.

Thêm vào đó, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, trong đó, tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu phát triển hàng hóa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, thực hiện xây dựng một số mô hình thôn, buôn đạt chuẩn văn hóa theo hướng giữ gìn và phát huy nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc, từng thôn, buôn. Cải thiện chất lượng giáo dục, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân nông thôn, nhất là vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự ở khu dân cư; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng./.

Bùi Thủy

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN