Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đắk Lắk: Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư

Chủ Nhật, 01/09/2024 11:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã với lãnh đạo tỉnh về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk 8 tháng năm 2024.

Hội nghị đã có 8 lượt ý kiến với 21 nội dung phát biểu. (Ảnh: Báo daklak.vn) 

Tham dự và chủ trì Hôi nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, Hiêp hội doanh nghiệp và 180 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Những năm gần đây nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk luôn tăng trưởng khá, số lượng doanh nghiệp thành lập ngày càng nhiều và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định xã hội. Chỉ tính năm 2019, toàn tỉnh thành lập mới 1.177 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 13 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp toàn tỉnh lên 8.975, đạt 106% so kế hoạch đề ra và tăng 8,6% so năm 2018; thu hút 54 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 12 nghìn tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2024. Cụ thể, thời gian qua mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hôi của Đắk Lắk tiếp tục duy trì và phát triển, quy mô nền kinh tế duy trì ở mức khá (giá trị GRDP đứng đầu khu vực Tây Nguyên); các ngành, khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ.

Thông qua Hội nghị đã có 8 lượt ý kiến với 21 nội dung phát biểu của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trao đổi trực tiếp và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã gửi ý kiến đến Ban tổ chức để chuyển đến các sở, ngành trao đổi, giải đáp. Các ý kiến tập trung vào một số nhóm vấn đề: chi phí hóa đơn điện tử ở mức cao; công tác xúc tiến thương mại và kết nối giao thương ở nước ngoài; hỗ trợ tiếp cân vốn vay trong quá trình sản xuất, kinh doanh, khởi nghiêp; giải pháp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển; tiền thuê tài sản, miễn giảm tiền thuê đất, chênh lêch tiền thuê đất giữa các địa bàn huyên trong tỉnh, tận thu phần tài sản cho thuê; đền bù giải phóng măt bằng, quy hoạch vùng kho sản xuất nông sản, thuốc bảo vệ thực vât; đưa di tích lịch sử tham gia vào công tác phát triển du lịch…

Phát biểu kết luân tại Hội nghị đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến trao đổi cởi mở, mạnh dạn của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và có văn bản trả lời, giải đáp hoặc hướng dẫn thật cụ thể cho từng doanh nghiệp. Trường hợp nội dung kiến nghị của doanh nghiệp vượt quá thẩm quyền, đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương phát huy vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đầy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đế tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Tăng cường sự phối hợp với các hội doanh nghiệp để tổ chức thường xuyên hơn công tác gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư; nhân rộng Chương trình Cà phê doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ ở địa phương mà triển khai tại các sở, ngành để thông tin kịp thời cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về đầu tư, kinh doanh; nắm bắt và kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, qua đây kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ quan như Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan cũng chủ động tổ chức đối thoại với doanh nghiệp…

Nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển, tỉnh Đắk Lắk cũng đã cụ thể hóa bằng những chương trình hành động, cơ chế, chính sách mang tính đặc thù. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh trên cơ sở các quy định của Đảng, Chính phủ và pháp luật, cần nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của địa phương và nhanh chóng tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp phản ảnh, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật, chủ động trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường trách nhiệm, chủ động hơn trong thực hiện các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để thông tin kịp thời các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh về đầu tư, kinh doanh./..

BC (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN