Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đắk Lắk: Sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025

Chủ Nhật, 01/09/2024 08:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, hiện gần 500.000 học sinh các cấp từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh này đang bước vào năm học mới với sự chuẩn bị chu đáo của ngành giáo dục và sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía.

 Ngành Giáo dục tỉnh Đắ Lắk đã sẵn sàng cho năm học mới. (Ảnh: baodaklak.vn)

Những ngày này, không khí chuẩn bị cho năm học mới tại các trường học trên địa bàn tỉnh khá rộn ràng. Cùng với việc quét dọn vệ sinh trong và ngoài khuôn viên trường, lớp học, sửa chữa hệ thống điện, quạt phục vụ học sinh là chuẩn bị sách giáo khoa, xây dựng tiểu cảnh trong và ngoài lớp học; đốc thúc các đơn vị thi công hoàn thiện công tác sửa chữa công trình liên quan để phục vụ học sinh ngay từ đầu năm học.

Năm học này, Trường THPT Võ Nguyên Giáp (huyện Ea Kar) có 19 lớp với 847 học sinh. Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện xây dựng mới hai dãy nhà gồm 8 phòng học và 6 phòng bộ môn để đưa vào phục vụ học sinh sau lễ khai giảng, bảo đảm mỗi lớp có một phòng học riêng để có thể tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày, nhất là đối với học sinh khối 12.

Ngoài ra, các hạng mục công trình sửa chữa khác như đường nội bộ, sân chơi, sân khấu sinh hoạt ngoài trời… đã hoàn thiện để phục vụ học sinh. Sự quan tâm đầu tư của ngành giáo dục và chính quyền địa phương các cấp đã giúp trường từng bước kiện toàn cơ sở vật chất, tạo sự phấn khởi cho phụ huynh, học sinh, giáo viên ngay từ đầu năm học.

Trường Tiểu học Y Jút, xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar) có 680 học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 70%; học sinh khối 1 đầu cấp là 130 em (tăng 10 học sinh so với chỉ tiêu được giao do các em theo gia đình đến tạm trú tại địa phương). Đến nay, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cho năm học mới từ con người, phòng học, thiết bị dạy học, cảnh quan…

Thầy Nguyễn Xuân Nhạc, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trường chỉ có 22 biên chế là giáo viên, thiếu 8 giáo viên so với nhu cầu thực tế. Do đó, ngay từ cuối năm học 2023 – 2024, trường đã tìm nhân sự để ký hợp đồng cho năm học mới 2024 – 2025 với 8 giáo viên, bảo đảm tỷ lệ 1,45 giáo viên/lớp. Khi có đủ nhân sự, nhà trường giao việc cụ thể cho từng giáo viên để vận động học sinh ra lớp đủ, đúng thời gian; tổ chức ôn tập cho học sinh có những hạn chế về tiếp thu kiến thức; rà soát và sửa chữa bàn ghế bị hư hỏng tại mỗi lớp…

Đối với học sinh khối 1, đa phần hồ sơ tuyển sinh đều được nộp trực tiếp tại trường do khả năng tiếp cận thiết bị công nghệ của phụ huynh hạn chế nhưng qua công tác tiếp nhận, Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh gia đình của từng học sinh; lên danh sách những trường hợp đặc biệt, có nguy cơ cao bỏ học (ba mẹ ly hôn, ba mẹ đi làm ăn xa nên học sinh ở nhà với ông bà, nhà xa trường, điều kiện kinh tế quá khó khăn…) để quan tâm theo dõi từ đầu.

Đối với học sinh khối 5 lần đầu học sách giáo khoa mới, nhà trường đã hướng dẫn phụ huynh mua bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống từ tháng 7 thông qua các nhóm lớp online trên mạng xã hội...

Những năm qua, Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm (huyện Cư M’gar) luôn quan tâm đến học sinh khó khăn, bảo đảm học sinh nào cũng có đủ cặp sách để đến trường. Riêng năm học 2023 – 2024, trường đã tiếp nhận các phần quà bằng hiện vật, học bổng từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau với tổng trị giá khoảng 90 triệu đồng.

Thầy Hoàng Long Điện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ tại trường, đầu năm học nhà trường sẽ rà soát số học sinh còn khó khăn và nhu cầu thực tế để khi có nguồn hỗ trợ tương ứng với nhu cầu thì trao tận tay cho các em, tránh chồng chéo hay bỏ sót…

Năm học 2024 – 2025, nhà trường đã tiếp nhận 1 suất học bổng, 3 phần quà, 500 cuốn vở từ các nhà tài trợ và sẽ phát cho học sinh theo nhu cầu của các em trong những ngày tới…

Với tinh thần tương thân tương ái, ngoài kêu gọi hỗ trợ cho học sinh, các trường còn tiếp nhận và chuyển giao sách vở, đồ dùng học tập cho những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hơn.

Tại Trường Tiểu học Tô Hiệu (TP. Buôn Ma Thuột), từ cuối năm học 2023 – 2024 đến nay nhà trường đã đứng ra tiếp nhận và chuyển giao 300 bộ quần áo, sách vở và nhiều vật dụng khác cho Nhóm Thiện nguyện Ban Mai Hồng (TP. Buôn Ma Thuột) để trao tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Krông Bông.

Trường cũng có kế hoạch trao 21 phần quà là vở, quần áo mới, 3 xe đạp cho 21 học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025…

Được biết, đến cuối năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 996 trường học từ mầm non đến THPT, 15.515 lớp, nhóm lớp; Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk; Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và 15 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố...

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng các điều kiện theo quy định. Toàn tỉnh có 35.174 cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, nhân viên; 95% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên (trong đó có 34,64% cán bộ quản lý và 15,84% giáo viên đạt trên chuẩn).

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được thực hiện đồng bộ ở các cấp học; kết quả học tập được nâng cao; kết quả học tập của học sinh cùng học Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS và THPT khá tương đồng. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 98,36%...

Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục mũi nhọn cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia năm 2024, tỉnh có 60 học sinh đoạt giải, trong đó lần đầu tiên có 3 học sinh đoạt giải Nhất…

Năm học 2024 – 2025 toàn ngành phấn đấu tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 62% vào cuối năm 2024, 64% vào cuối năm 2025; tỷ lệ thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo đạt 100%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 90% vào cuối năm 2024, đạt 93% vào cuối năm 2025.../..

 

BC (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN