Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đắk Lắk kịp thời khoanh vùng, khống chế bệnh thủy đậu

Thứ Năm, 22/02/2024 16:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Trong gần 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 60 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Trước tình trạng này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã chủ động giám sát, nắm bắt tình hình, diễn biến của bệnh và chỉ đạo, hướng dẫn xử lý các ổ dịch để khống chế không để bùng phát.

Ngành y tế hướng dẫn cách phòng tránh thủy đậu tại cơ sở trường học. (Ảnh: Quang Nhật) 

Sáng 22/2, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong gần 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 60 trường hợp mắc dịch bệnh thủy đậu. Trong đó, ổ dịch tại huyện Ea Kar 28 trường hợp và thành phố Buôn Ma Thuột 22 trường hợp.

Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã chủ động chỉ đạo các cơ sở y tế, trường học... khẩn trương khám, điều tra, xác minh các điểm phát sinh dịch bệnh. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản bệnh thủy đậu đã được kiểm soát, hạn chế phát sinh ca nhiễm mới.

Tại Thành phố Buôn Ma Thuột, ngay sau khi phát hiện số ca bệnh thủy đậu tại xã Cư Ê bua, Trung tâm y tế thành phố đã đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh thủy đậu, nhằm kiểm soát, không để bệnh lây lan rộng. Bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế Thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Chúng tôi đã huy động lực lượng y tế tiến hành khoanh vùng xử lý ổ dịch tại xã Cư Êbua theo đúng quy định; tiến hành tổng vệ sinh trường lớp, lau dọn bàn ghế, đồ chơi, đồ dùng học tập trong các trường học. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị các ca đã mắc bệnh, nhất là triển khai các biện pháp ngăn ngừa không để ổ dịch lây lan ra trong trường học và cộng đồng. Nhờ vậy, đến nay Thành phố Buôn Ma Thuột cơ bản đã kiểm soát được bệnh thủy đậu và trong nhiều ngày qua không có ca mắc mới”.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, , bệnh thủy đậu đang có xu hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh và nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, bệnh sẽ dễ bùng phát và lây lan thành dịch.

"Hiện nay, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trẻ đã quay trở lại trường học. Đây là thời điểm thuận lợi để bệnh thủy đậu lây lan và bùng phát. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, yêu cầu các trường học thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng bệnh như vệ sinh trường lớp, đồ chơi, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ, thực hiện ngay các biện pháp cách ly khi phát hiện có trẻ mắc bệnh cũng như thông báo cho ngành y tế để kịp thời xử lý" - bác sĩ Hải Phúc chia sẻ thêm.

Bệnh thuỷ đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nếu trẻ không được chăm sóc, vệ sinh đúng cách.
(Ảnh: Quang Nhật) 

Thủy đậu là bệnh cấp tính do vi rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trẻ em mắc nhiều hơn người lớn. Thời gian ủ bệnh từ 10 - 14 ngày, người mắc bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày và bệnh nhân sẽ tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, vệ sinh đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như: Nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não… gây nguy hiểm đến sức khỏe. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ ảnh hưởng tới thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi như đầu nhỏ, bại não, chân tay khoèo, sẹo bẩm sinh...

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, virus gây bệnh thủy đậu được xếp vào nhóm lây lan mạnh. Do đó, nếu người dân chưa được tiêm vaccine và tiếp xúc với người bệnh thì khả năng bị mắc bệnh là rất cao. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, khi nghi ngờ bị mắc bệnh thủy đậu, người dân cần tiến hành cách ly, xử lý theo quy trình, không để dịch lây lan dịch bệnh. Việc này nhằm hạn chế tối đa xảy ra biến chứng, không để tử vong./.

H.T (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN