Đắk Lắk: Ghi nhận trường hợp bệnh nhi 2 tuổi tử vong vì bệnh tay chân miệng
(ĐCSVN) - Ngày 13/11, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng. Đây là trường hợp tử vong thứ 4 do bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm tới nay.
Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời. (Ảnh: Quang Nhật) |
Bệnh nhi là L.V.T.E (nam, SN 2021, trú tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà bệnh nhi, ngày 11/11, ở nhà trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục, ngủ giật mình nhiều, nổi mụn nước ở lòng bàn chân, loét miệng. Người nhà đưa trẻ đi khám và uống thuốc 1 ngày.
Ngày 12/11, trẻ đi đứng loạng choạng, sốt cao liên tục, ăn uống kém, tay chân lạnh, ngủ li bì, người nhà đưa trẻ đi khám và nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp. Cùng ngày, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trẻ được chẩn đoán Suy hô hấp độ IV/Bệnh tay chân miệng độ IV/Nhiễm trùng huyết/Xuất huyết tiêu hoá/Phù phổi cấp. Đến sáng ngày 13/11, trẻ tử vong với chẩn đoán viêm cơ tim cấp/Phù phổi cấp/Bệnh Tay chân miệng độ IV/Nhiễm trùng huyết/Xuất huyết tiêu hoá.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC Đắk Lắk cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm, thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và 9-11.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh thường diễn biến lành tính và hồi phục sau 5–10 ngày. Tuy nhiên một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, có tổn thương viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời. Bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan.
Nên cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày để phòng bệnh tay chân miệng. (Ảnh: Phương Nhiên) |
Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, CDC Đắk Lắk đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng; tổ chức các buổi tập huấn; phối hợp với các trường học, đặc biệt là trường mầm non hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh và vệ sinh cá nhân sạch sẽ...
Sở Y tế tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng năm 2023 với mục tiêu giảm số ca mắc bệnh, không để tử vong xảy ra do bệnh tay chân miệng và 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cơ sở y tế công và tư, cộng đồng. Cách ly, xử lý tốt môi trường tại bệnh viện để hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Triển khai tập huấn cho các tuyến cơ sở, y tế trường học tại các trường mầm non, mẫu giáo; kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo; củng cố đội cơ động chống dịch các tuyến. Về công tác điều trị, sẽ bố trí khu cách ly tại các bệnh viện để chủ động điều trị bệnh nhân; phát hiện sớm ca bệnh, phân độ lâm sàng, theo dõi sát diễn biến để có biện pháp điều trị kịp thời… Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh tay chân miệng tới người dân, tổ chức chiến dịch truyền thông vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng tại các địa phương, trường học…
Để phòng, chống bệnh tay chân miệng, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần chủ động vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày); vệ sinh ăn uống (đảm bảo bữa ăn đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi...); làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; thu gom và xử lý chất thải của trẻ. Cùng với đó, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ em để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác./.