Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại Lộc (Quảng Nam): Cần khắc phục tình trạng tăng chuyến xe chở cát gây ô nhiễm

Thứ Tư, 30/12/2015 15:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thời gian qua, mặc dù chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã tập trung nhiều lực lượng và giải pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng xe quá tải, quá khổ trên địa bàn. Tuy nhiên, tại không ít nơi trên địa bàn tỉnh, tình trạng này vẫn diễn ra tương đối phổ biến, trong đó có huyện Đại Lộc.

Đường quá tải vì tăng chuyến

Từ nhiều năm qua, mỗi ngày trên tuyến Quốc lộ 14B từ các tỉnh Tây Nguyên về TP. Đà Nẵng, đặc biệt là đoạn đi qua địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) về Đà Nẵng vẫn không ngừng nghỉ nhiều chuyến xe tải chở cát. Nếu trời nắng thì bụi bay mù mịt, còn trời mưa thì đầy những sình lầy trên con đường này.

Tìm hiểu những chuyến xe cát này từ đâu về, chúng tôi được biết, xuất phát điểm của những chuyến xe cát này là từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Nhiều xe tải đang nối đuôi nhau ra bãi lấy cát

 

Đứng trên cầu Hà Nha bắt qua một nhánh lớn của sông Thu Bồn (thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc), nhìn về hai bên cầu đều có các điểm khai thác cát. Tuy nhiên, ở hướng hạ nguồn của sông trong tầm nhìn chưa đầy 10km có đến 3 điểm khai thác cát. Tại đây, hàng chục chiếc xe tải nối đuôi và “ăn cát”, sau đó nhanh chóng quay ra hướng Hà Nha - Đà Nẵng để chở cát đi tiêu thụ.

Tại điểm khai thác cát của Công ty TNHH Hồng Nguyên, dưới bờ sông đang có 2 xe cẩu xúc cát hoạt động song hành và vài xe khác đang nghỉ ngơi. Trong khi đó, từ trên đường xuống bãi, gần 10 chiếc xe tải đang nối đuôi để vào lấy cát. 

Qua vài câu hỏi thăm, một bác tài cho biết: Cát của chúng tôi tiêu thụ chủ yếu là thị trường Đà Nẵng để phục vụ cho các công trình. Trước đây, để có chút tiền chệnh lệch, chúng tôi phải cơi nới thùng xe thêm một ít, nhưng dạo này, cảnh sát giao thông làm "chặt quá" nên chúng tôi chỉ chở đúng quy định.

Một bác tài khác nói thêm: "Có điều, chở ít quá thì không đủ tiền sống nên phải cố mà tăng chuyến. Mà đã tăng chuyến thì đường sẽ quá tải”.

Cùng nhận định là gần đây, tại khu vực thôn Hà Nha, lượng xe đến “ăn cát” nhiều hơn trước, mặc dù xe chở lượng cát đúng quy định, không còn tình trạng cơi nới thùng xe. Anh Mười - một thợ sửa xe tại thôn Hà Nha cho rằng, mới đầu dân ở đây thấy mấy “ông xe” không còn cơi nới thùng vào chở cát đều yên tâm vì họ chở đúng theo thùng xe với kích cỡ mà pháp luật cho phép. Trên xe có mui đậy không để cát bay, nhưng sau đó, do lưu lượng xe quá nhiều, cát lại múc từ lòng sông lên, nên dù thùng xe đóng kỹ nhưng cát vẫn theo dòng nước chảy ra dọc đường làm cho  môi trường, nhất là nhà hai bên đường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Phải kiên quyết xử lý mạnh tay hơn

Đó là khẳng định của ông Trương Văn Huấn - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đại Lộc. Theo ông Huấn, hiện tại, Đại Lộc có đến 13 công ty khai thác cát được cấp phép hoạt động. Việc khai thác và bảo vệ môi trường bước đầu được ngành chức năng và chính quyền địa phương yêu cầu các doanh nghiệp cam kết thực hiện đã phát huy hiệu quả, song tình trạng bụi cát rơi vãi xuống đường gây ô nhiễm môi trường vẫn còn.

Xe tải chở cát làm bụi bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường 

Trước tình hình đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc đã lập đường dây nóng để nhận thông tin phản ánh các doanh nghiệp khai thác cát gây ô nhiễm môi trường. Với đường dây nóng này, lãnh đạo huyện đã kịp thời xử lý nhiều vụ việc, từ đó bước đầu nâng cao ý thức và trách nhiệm của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, do cát hút lên từ lòng sông nên khi xe chạy, nước trong cát chảy ra và mang theo cát đổ xuống lòng đường. Vì thế để ngăn chặn việc này thì rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết khắc phục không để bụi, lầy đầy đường làm người dân bức xúc. Nếu vi phạm, chúng tôi sẽ tiến hành phạt hành chính. Thực hiện yêu cầu trên, tại nhiều tuyến đường gần khu vực khai thác cát, chủ doanh nghiệp thường xuyên có xe tưới nước trên đường để trách không cho bụi bay vào nhà dân hay người đi đường. Tại một số nơi, doanh nghiệp còn phải cấp tiền bồi dưỡng để người dân khu vực có cát chảy xuống đường ra quân làm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, đó vẫn chưa là giải pháp hiệu quả nhất. Vì thế, thời gian tới, chúng tôi phải tăng cường phối hợp và có chế tài mạnh, kiên quyết hơn trong xử lý các vi phạm do xe chở cát làm ô nhiễm môi trường” - ông Trương Văn Huấn nhấn mạnh./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN