Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát triển 3 trung tâm về khởi nghiệp, sáng tạo dữ liệu và trí tuệ nhân tạo
(ĐCSVN) - Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc phụ trách Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập đơn vị.
Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc phụ trách Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập đơn vị.
Tiên phong về AI và công nghệ robot
PGS.TS Trần Mạnh Hà bày tỏ niềm vinh dự và biết ơn với toàn thể cán bộ, viên chức của ITP. |
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, 20 năm hình thành và phát triển là một chặng đường với nhiều nỗ lực, kiên trì và quyết tâm từ các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức của ITP. Nhiều mô hình được ITP vận dụng và đạt những thành quả bước đầu quan trọng.
Ngay sau khi thành lập vào năm 2003, ITP đã lấy việc phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ định hướng nghiên cứu ứng dụng làm trọng tâm. Theo đó là sự hình thành của các tổ chức KH&CN trực thuộc như Trung tâm địa tin học (GeOC), Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) và Phòng thí nghiệm An ninh thông tin (Iselab).
Năm 2009, thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 115, ITP đã chuyển sang hoạt động theo mô hình tổ chức KH&CN công lập tự đảm bảo 100% chi tiêu thường xuyên.
PGS.TS Vũ Hải Quân nói: “Hoạt động của ITP giai đoạn này phát triển theo định hướng lấy việc hình thành các doanh nghiệp spin-off làm trung tâm, nhằm giải phóng tối đa sức sáng tạo của các nhà nghiên cứu”.
Đến năm 2013, ITP được tái cấu trúc về tổ chức và hoạt động, chuyển sang mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của khu vực và cả nước.
4 năm sau, ĐHQG-HCM giao ITP thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM (IEC) nhằm hỗ trợ và triển khai các chương trình thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp của ĐHQG-HCM thông qua Quỹ khởi nghiệp ĐHQG-HCM. Trung tâm cũng là đầu mối để triển khai các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ và TP Hồ Chí Minh.
“Đến nay, ITP đã đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp cho 11.807 cán bộ quản lý của 16 tỉnh, thành ở khu vực phía Nam. Giai đoạn này, mô hình và cách thức xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của ITP được đánh giá cao, nhiều tỉnh, thành ở phía Nam tham khảo, học tập” - Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh.
Năm 2021, với mục tiêu phát triển tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot của cả nước, ĐHQG-HCM giao ITP thành lập Chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot (AIC) trong khuôn khổ hợp tác giữa ĐHQG-HCM và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương. Chương trình này nhằm thúc đẩy các hoạt động và nghiên cứu ứng dụng AI trong giáo dục, cũng như tạo ra một môi trường học tập tích cực cho học sinh, sinh viên và các công dân Việt Nam.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng, chính việc vận dụng các mô hình phát triển khác nhau này sẽ là nền tảng để ITP tiếp tục có những bước phát triển vững chắc trong tương lai.
Góp phần phát triển Khu Đô thị sáng tạo phía đông TP Hồ Chí Minh
PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, trao bằng khen của Giám đốc ĐHQG-HCM cho các cá nhân tiêu biểu của ITP. |
Theo PGS.TS Trần Mạnh Hà, ITP được giao 3 nhiệm vụ chính trị cốt yếu là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năng động trong lĩnh vực CNTT-TT; nâng cao chất lượng nhân lực CNTT của ĐHQG-HCM đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Gần đây nhất là nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Nhiệm vụ này nhằm tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của ĐHQG-HCM và lĩnh vực giáo dục.
“Chúng tôi thật sự cảm kích và tự hào về chặng đường xây dựng và phát triển vừa qua. Đó là một chặng đường với nhiều khó khăn, thử thách nhưng khẳng định được vai trò, vị trí của ITP trong quá trình phát triển chung của ĐHQG-HCM” - PGS.TS Trần Mạnh Hà bày tỏ.
Nói về kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới, ông Hà cho biết ITP tiếp tục phát triển 3 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm dữ liệu, và trung tâm trí tuệ nhân tạo nhằm tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi số ĐHQG-HCM và phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.
“Với tinh thần đoàn kết, tăng cường hợp tác và mạnh dạn ứng dụng công nghệ trong quản lý và công việc, chúng tôi tin tưởng tiếp tục chinh phục những mục tiêu này” - Phó Giám đốc phụ trách ITP khẳng định.
Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện vai trò của trường đại học với hỗ trợ khởi nghiệp. Được định hướng phát triển theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, ITP hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm của Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam.
Từ 2003 đến nay, ITP đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tổ chức công và tư liên quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp - các nguồn lực cần thiết để nâng cao cơ hội thành công./.