Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại học Bách khoa Hà Nội ra mắt Trường Kinh tế và 4 Viện nghiên cứu

Thứ Sáu, 02/08/2024 16:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN)- Ngày 2/8, tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra Lễ Công bố Nghị quyết thành lập và bổ nhiệm các chức vụ quản lý của Trường Kinh tế và 4 Viện nghiên cứu.

Các Nghị quyết thành lập, tổ chức lại các đơn vị gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Kinh tế và Quản lý; Viện Khoa học và Công nghệ sức khỏe trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Điện tử Y sinh học; Viện Khoa học và Công nghệ sức khỏe trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Điện tử Y sinh học; Viện Công nghệ Điều khiển và Tự động hóa trên cơ sở điều chỉnh tên gọi và tái cơ cấu Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa; Viện Công nghệ Năng lượng trên cơ sở điều chỉnh tên gọi và tái cơ cấu Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh; Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước trên cơ sở phê duyệt Đề án Phát triển Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước.

Quang cảnh buổi Lễ công bố. Ảnh: TT

Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có: 1 Văn phòng Đại học, 11 Ban, 8 Trung tâm dịch vụ - hỗ trợ, 6 Trường, 5 Viện/Khoa có quản ngành đào tạo và 3 Khoa Đại cương, 10 Viện/Trung tâm nghiên cứu.

Việc thành lập Trường Kinh tế (và trước đó là thành lập 5 Trường) của Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những bước đi hoàn thiện cơ cấu đại học với cấu trúc chặt chẽ, hệ thống quản trị, điều hành hiện đại; hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài; hoàn thiện lại quy chế tổ chức và hoạt động… Hướng tới mô hình đại học - mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành – theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

 PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TT

Phát biểu tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: Từ “Viện Kinh tế và Quản lý” thành “Trường Kinh tế”, không chỉ khác tên gọi mà đã có sự khác biệt lớn, thể hiện một sự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, thể hiện khát vọng vươn lên, khát vọng đổi mới.

Đại học Bách khoa Hà Nội xác định phát triển đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn luôn lấy công nghệ và kỹ thuật làm nòng cốt. Tập thể lãnh đạo Đại học kỳ vọng vị trí của Trường Kinh tế trong con tàu Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tạo mô hình liên kết tốt nhất, là một thể thống nhất vững chắc nhất, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển chung. Trường Kinh tế trong giai đoạn tới cần “lột xác để phát triển” để vẫn giữ được bản sắc, truyền thống, nhưng phải định vị được vị trí của mình trong Bản đồ đào tạo và Bản đồ Công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội để phát triển mạnh mẽ.

PGS Huỳnh Quyết Thắng tin tưởng và mong muốn mỗi thầy cô, mỗi cán bộ Trường Kinh tế với tinh thần Trách nhiệm, với sự Sáng tạo, với sự Chính trực và năng lực Xuất sắc của mình, sẽ làm việc hết mình để phát triển Trường Kinh tế, đáp ứng sự kỳ vọng.

Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Đại học Bách khoa Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một trung tâm đào tạo tài năng, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo xuất sắc, đứng đầu trong nước, là hạt nhân mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm về khoa học công nghệ; với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, thu hút đầu tư và phát triển công nghệ cao, tạo động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Để thực hiện mục tiêu đó, vai trò của các Viện nghiên cứu là vô cùng quan trọng. Chia sẻ với các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ của 4 Viện nghiên cứu vừa được tái cấu trúc, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc, rằng con đường phát triển của các Viện nghiên cứu rất cần sự đồng lòng, chia sẻ, đồng hành để tháo gỡ những khó khăn, tạo được sự đột phá, cần cả những thử nghiệm, khung thể chế thí điểm, đôi khi phải biết chấp nhận thất bại, cả những thử nghiệm không thành công./.

NT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN