Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại dương đang bị đe dọa

Thứ Tư, 24/03/2021 00:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nhân Ngày Khí tượng Thế giới (23/3), các chuyên gia khí tượng của Liên hợp quốc cảnh báo hiện tượng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nặng nề đến các đại dương trên thế giới.

 Các đại dương có vai trò quan trọng sống còn đối với hành tinh chúng ta.
(Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) kêu gọi phục hồi các dịch vụ giám sát và cảnh báo sớm vốn đã bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, nhằm bảo vệ các cộng đồng hàng hải và ven biển đang gặp nguy hiểm.

Theo WMO, nước biển ấm lên đã thúc đẩy mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương vào năm ngoái, cũng như các cơn lốc xoáy nhiệt đới dữ dội ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Cơ quan Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh mối đe dọa lâu dài do mực nước biển dâng cao gây ra.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Khoảng 40% dân số thế giới sống trong phạm vi 100km tính từ bờ biển, cần cấp thiết phải bảo vệ các cộng đồng khỏi các hiểm họa ven biển như: sóng, triều cường và nước biển dâng thông qua các hệ thống cảnh báo và dự báo "đa nguy cơ'".

Nền kinh tế xanh lớn mạnh

Theo WMO, "nền kinh tế xanh", ước tính đạt từ 3.000 – 6.000 tỷ USD mỗi năm, chiếm hơn 3/4 thương mại thế giới và hỗ trợ sinh kế của hơn 6 tỷ người, song mỗi năm đã mất hàng triệu USD hàng hóa và hàng trăm sinh mạng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt như: gió lớn, sóng lớn, sương mù, giông bão, băng biển...

WMO cũng giải thích rằng đại dương giống như "bộ điều nhiệt của trái đất", hấp thụ và biến đổi một phần đáng kể bức xạ mặt trời, đồng thời mang nhiệt và hơi nước vào bầu khí quyển.

Tuy nhiên, theo WMO, mặc dù các dòng hải lưu khổng lồ luân chuyển nhiệt lượng này quanh hành tinh, thường xuyên trên hàng nghìn km, nhưng các hoạt động của con người đã ngày càng làm xáo trộn sự cân bằng đại dương và khí quyển tự nhiên này. Thực tế là các đại dương hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng dư thừa trong khí quyển bị giữ lại bởi các khí nhà kính, điều này đã phải trả giá đắt "vì sự ấm lên và những thay đổi trong hóa học đại dương đã phá vỡ các hệ sinh thái biển và các quần thể sống phụ thuộc vào nó".

Người đứng đầu WMO lưu ý tác động này "sẽ được cảm nhận trong hàng trăm năm", đồng thời nhấn mạnh những tác động sâu sắc của hiện tượng băng tan đối với phần còn lại của trái đất, thông qua việc làm biến đổi chế độ khí tượng và gia tốc nước biển dâng. Ông Talaas giải thích: “Vào năm 2020, lượng băng tối thiểu hàng năm trên biển Bắc Cực giảm xuống một trong những mức thấp nhất được ghi nhận, khiến các quần thể bị ngập lụt bất thường ở ven biển và những người đi biển và ngư dân phải đối mặt với hiểm họa băng trên biển”.

Quan sát các mối đe dọa

Vào Ngày Khí tượng Thế giới năm nay (23/3/2021), WMO nêu bật giá trị của công việc “24/7” của các trung tâm khí tượng quốc gia nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản “không chỉ trên mặt đất mà còn trên biển”.

Mặc dù độ chính xác và tốc độ của các dự báo thời tiết đã được cải thiện, nhưng cơ quan Liên hợp quốc vẫn lưu ý rằng các tàu thuyền không có công nghệ mới nhất thường bị tước đi thông tin quan trọng này để điều hướng.

Trong tuyên bố được đưa ra, WMO giải thích: “Cần cải thiện các dịch vụ hỗ trợ để cho phép các nhà hàng hải giảm thiểu chi phí và các chuyến đi, đồng thời tối đa hóa sự an toàn và tránh các điều kiện thời tiết nguy hiểm trên biển”.

Cơ quan Liên hợp quốc cho biết một trong những mối quan ngại chính hiện nay là tình trạng băng biển tan chảy ngày càng nhanh khi hành tinh chúng ta ấm lên. “Ít băng hơn không có nghĩa là ít nguy hiểm hơn” – WMO cho biết một tai nạn lớn ở vùng biển Bắc Cực sẽ gây ra hậu quả tàn khốc cho môi trường, do đó đang nỗ lực “cải thiện các dự báo và cảnh báo liên quan đến điều kiện khí tượng và tình trạng băng giá ở các vùng cực”.

Khoảng trống cần được lấp đầy

Mặc dù những tiến bộ công nghệ đã cách mạng hóa việc giám sát đại dương toàn cầu và giúp hiểu được mối liên hệ của chúng với thời tiết và khí hậu, song WMO vẫn đưa ra cảnh báo về "những khoảng trống lớn về địa lý và nghiên cứu" còn tồn tại trong Hệ thống quan sát đại dương Toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu dự báo ngày càng tăng.

Theo WMO, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn khi vào tháng 3/ 2020, các Chính phủ và cơ quan hải dương học đã thu hồi gần như tất cả các tàu nghiên cứu hải dương học trở về. “Điều đó cũng làm giảm khả năng các tàu thương mại đóng góp vào việc quan sát thời tiết và đại dương” – WMO nêu rõ.

Theo cơ quan của Liên hợp quốc, mực nước biển đã tăng khoảng 15cm trong suốt thế kỷ XX, do các sông băng tan chảy, nước biển ấm hơn và các chỏm băng cổ đại của Greenland và Nam Cực.

Các dự báo cho thấy mực nước biển dâng có thể từ 30 – 60cm vào năm 2100, ngay cả khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm đáng kể và sự nóng lên toàn cầu được hạn chế ở mức dưới 2°C.

Mặt khác, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục không suy giảm, mức tăng sẽ từ 60 – 110cm./.

Khánh Linh (Theo WMO, UN, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN