Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại dịch COVID-19 và phòng, chống các bệnh không lây nhiễm

Thứ Bảy, 13/11/2021 08:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 12/11, Bộ Y tế phối hợp với Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc năm 2021 chủ đề "Đại dịch COVID-19 và phòng, chống các bệnh không lây nhiễm: Chuyên đề hô hấp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tâm thần và bệnh hiếm" theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội và trực tuyến với Sở Y tế, Hội Y học các tỉnh thành phố.

GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS.Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội còn có các lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Tổ chức Y tế Thế giới; Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các giáo sư, tiến sỹ chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y tế. Điểm cầu trực tuyến có đại diện Sở Y tế; Hội Y học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CDC các tỉnh, thành phố, bệnh viện huyện và các cán bộ y tế trên toàn quốc và một số đơn vị liên quan.

Hội nghị có 13 báo cáo khoa học do các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ, thảo luận kinh nghiệm thực tiễn trong phòng, chống dịch COVID-19 và phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, tạo một diễn đàn trao đổi, cập nhật các kiến thức y khoa, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chính phủ - chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

 Hình ảnh hội nghị

Các báo cáo viên tại hội nghị là các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm trong quản lý, uy tín trong chuyên môn, đều là các bác sỹ đã trực tiếp tham gia tư vấn, điều trị, cấp cứu người bệnh COVID-19 tại cộng đồng và tại các bệnh viện dã chiến.

Trong số các báo cáo khoa học, báo cáo “Đại dịch Covid-19 tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp”, GS.TS. Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho thấy những thách thức, giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian tới như, dịch còn diễn biến rất phức tạp, khó lường bởi vi rút đột biến, nhất là các biến thể của SARSCOV-2.

Trước tác động lâu dài của đại dịch, yêu cầu cần thực hiện chiến lược kép về phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Vai trò thiết yếu của sản xuất và sử dụng vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, nguy cơ thoát vaccine của các chủng mới và vấn đề nghiên cứu bổ sung các vaccine cho các chủng mới cũng được nêu tại hội nghị.

Các nhóm giải pháp phòng chống dịch trong giai đoạn tới như: Nhóm giải pháp về y tế - Kết hợp chống dịch và tăng cường các dịch vụ y tế khác. Theo dõi sát tình hình dịch tễ tại mỗi địa phương để đưa ra đáp ứng phù hợp vói mỗi địa phương. Tăng cường năng lực cho hệ thống y tế. Chống xâm nhập, phát hiện ca bệnh/ổ dịch sớm, cách ly dập dịch và điều trị hiệu quả - Công thức 5K + Vaccinne + Thông tin.

Nhóm giải pháp về kinh tế: Cách ly ổ dịch; Phục hồi và Phát triển kinh tế. Nhóm giải pháp về xã hội: An sinh và trật tự an toàn xã hội, xử lý vấn đề tâm lý xã hội và biểu hiện lâu dài của COVID-19. Nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế: Phát triển Vaccine và thuốc điều trị COVID-19. Hợp tác về nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin…

 Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần chung tay giải quyết các vấn đề y tế trọng tâm ở nước ta trong thời gian tới, đó là:

Dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực còn hạn chế; Thách thức trước vấn đề ô nhiễm môi trường ở đất liền và môi trường biển, mất an toàn thực phẩm. Tình trạng kháng thuốc và nhiễm khuẩn bệnh viện do kháng thuốc là một thách thức cho ngành Y tế Việt Nam hiện nay. Sự xuất hiện các loại vi khuẩn đa kháng hoặc siêu kháng thuốc đang là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe con người.

Sự gia tăng các bệnh liên quan đến xã hội trong giai đoạn hiện nay như bệnh tự kỷ, rối loạn tâm trí, dinh dưỡng, già hóa dân số sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật trong giai đoạn tới của Việt Nam; Sự biến đổi của môi trường, khí hậu, mô hình bệnh tật và yêu cầu hội nhập quốc tế đòi hỏi thích ứng đối với mô hình hệ thống y tế Việt Nam. Các vấn đề đặt ra cần giải quyết về chính sách y tế, kinh tế y tế phục vụ phát triển hệ thống y tế trong nền kinh tế phát triển và hội nhập./.

Tin, ảnh: NP

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN