Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đà Nẵng yêu cầu thủy điện xả nước để cứu nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn

Thứ Bảy, 15/09/2018 23:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nắng nóng kéo dài, các thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn giảm xả nước đã dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn ở hạ du. Tại Đà Nẵng, xâm nhập mặn đã khiến Nhà máy nước Cầu Đỏ không cung cấp đủ nước sạch cho sinh hoạt của TP. Vì vậy, UBND TP đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu thủy điện xả nước để cứu nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Mực nước ở trạm thi Nhà máy nước Cầu Đỏ và các nhà máy vệ tinh
tại Đà Nẵng đang ở mức rất thấp, không đủ để cũng cấp đủ nước ngọt sạch
cho sinh hoạtvà sản xuất của Thành phố

Hạ du bị nhiễm mặn, thủy điện không xả nước

Theo ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), từ nhiều tháng qua, mực nước trên hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn xuống thấp đã gia tăng tình trạng xâm nhập mặt ở hạ du. Trong đó, tại trạm thu nước thô Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng) đã không đảm bảo đủ lượng nước ngọt cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Trước thực trạng trên, vừa qua Dawaco đã có báo cáo về tình hình nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP.Đà Nẵng và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước trên hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn nói chung, tại trạm Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng) nói riêng.

Trích từ báo cáo trên mà đơn vị mình đã gửi đến Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, ông Hương khẳng định: Từ ngày 31/8/2018 đến nay, nguồn nước thô tại cửa thu của Nhà máy nước cầu Đỏ bị nhiễm mặn, độ mặn thường xuyên dao động ở mức 260-2.000 mg/l.

Để đảm bảo nguồn nước thô cho Nhà máy nước cầu Đỏ, Dawaco phải kết hợp việc lấy nước tại cửa thu Cầu Đỏ và bơm nước thô từ trạm bơm phòng mặn An Trạch.

Tuy nhiên công suất của trạm bơm phòng mặn An Trạch chỉ đáp ứng được 70% công suất cấp nước hiện nay dẫn đến tình trạng không đủ lượng nước thô để xử lý.

Do đó, lượng nước sạch cấp vào mạng lưới giảm 50.000 -70.000 m3/ngày, dẫn đến khu vực cuối nguồn tại các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu nước rất yếu. Cũng trong khoảng thời gian này, theo kết quả quan trắc thủy văn tại Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), mực nước chỉ ở 2,52 m, thấp hơn mực nước trung bình 3,51 m so với cùng kỳ nhiều năm nên tình hình khả năng nhiễm mặn sẽ kéo dài.

Theo ông Hoàng Thanh Hòa- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, do tình hình mực nước trên sông Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của TP, Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra việc vận hành của các thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (được ban hành kèm theo Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính Phủ). Qua kiểm tra cho thấy, một số nhà máy thủy điện đã không xả nước theo quy trình và ngừng vận hành.

“Cụ thể, từ ngày 1/9 đến nay, mực nước của 2 hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 xấp xỉ ở mực nước chết. Theo đó, lượng nước xả về hạ du nhỏ. Đặc biệt trong 3 ngày từ ngày 1/9 đến ngày 3/9, nhà máy thủy điện A Vương và sông Bung 4 không phát điện, không xả nước về hạ du. Đối với nhà máy thủy điện Đak Mi 4 thì có xả nước về hạ du sông Vu Gia nhưng với lưu lượng nhỏ, chỉ 3 m3/s dẫn đến tình trạng nước sông Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn, nguồn nước thô tại cửa thu NMN Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt hàng trăm lần độ cho phép sản xuất nước sinh hoạt.

Ngoài ra, cũng qua kiểm tra thực tế tại đập tạm ngăn mặn Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện (Quảng Nam) thì đập ở trạng thái đóng kín nên dẫn đến tình trạng nhiễm mặn tại Cầu Đỏ tăng thêm. Nếu tình trạng trên vẫn tiếp tục thì tình hình nhiễm mặn đối với nước ở sông Cầu Đỏ là nghiêm trọng và có khả năng kéo dài”- ông Hoàng Thanh Hòa- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng cho biết.

Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu thủy điện xả nước

Từ thực tế và khó khăn do nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn trong thời gian qua, Dawaco đã xoay xở bằng nhiều cách nhằm có thêm nguồn nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco thì những giải pháp đó chỉ là giải pháp tình thế.

Ông Hương bộc bạch: “Đơn vị đang gồng mình để tìm kiếm các nguồn nước thô nhằm bù đắp lượng nước khai thác ở sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, do tình trạng nắng nóng vẫn cứ kéo dài, hiện nguồn nước tại các Nhà máy nước Sơn Trà (7.000m3/ngày), Hải Vân (3.000m3/ngày) cũng không đủ nước để hoạt động. Điều này làm giảm công suất tổng thể cấp nước cho TP.

Mặc khác, việc vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch cũng rất bấp bênh vì trạm bơm hoạt động được trong điều kiện chiều cao mực nước tại đập tối thiểu +2.0m, nhưng hiện nay mực nước đang xuống thấp nên cần bổ sung nguồn nước từ thủy điện để duy trì hoạt động. Thiếu nguồn nước thô, thì Nhà máy nước Cầu Đỏ phải ngưng hoạt động, điều này sẽ dẫn đến tình trạng tại một số thời điểm có xảy ra thiếu nước cục bộ ở một số khu vực trong TP”. 

Không thể kéo dài thêm tình trạng trên, mới đây Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị UBND TP.Đà Nẵng có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam và các thủy điện Đak Mi 4, Sông Bung 4, A Vương tham gia xử lý, giải cứu tình trạng nước nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ để đảm bảo an toàn cho việc sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân TP.Đà Nẵng.

Theo ông Hoàng Thanh Hòa- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, trên cơ sở văn bản của Sở NN&PTNT, UBND TP.Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chỉ đạo các Nhà máy thủy điện Đak Mi 4 phải tăng lưu lượng nước xả về hạ du sông Vu Gia qua cống xả đáy từ 3m3/s như hiện nay lên 12 m3/s. Đồng thời các thủy điện A Vương và Sông Bung 4 phải thường xuyên và tăng cường việc phát điện, xả nước về hạ du nhằm đẩy mặn tại sông Cầu Đỏ, phục vụ cho việc cung cấp nước cho sinh hoạt trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

"Do quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay đã bộc lộ một số vấn đề tồn tại, không phù hợp với thực tế nên đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu điều chỉnh lại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu - Gia Thu Bồn theo hướng điều phối nguồn nước xả hợp lý trong mùa cạn và mùa lũ nhằm tăng cường đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ và tăng hiệu quả cắt giảm lũ cho hạ du”- ông Hoàng Thanh Hòa cho biết thêm.

Nắng nóng kéo dài khiến các nhà máy thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia- Thu Bồn
hạn chế xả nước đã làm cho vùng hạ du bị xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt,
trong đó có Nhà máy nước Cầu Đỏ như kể ở trên

Ngoài ra, cũng theo ông Hoàng Thanh Hòa, UBND TP.Đà Nẵng cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp lập kế hoạch, phương án tăng lưu lượng nước xả về hạ du sông Vu Gia gửi Bộ Tài nguyên và Mội trường để thống nhất chỉ đạo các hồ thủy điện điều tiết xả nước cho khu vực hạ du sông Vu Gia.

Đồng thời với các vấn đề trên, UBND TP.Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn phối hợp nghiên cứu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế và các công trình chỉnh trị đã xây dựng để xây dựng giải pháp điều tiết, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế nhằm nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia khôi phục lại trạng thái tự nhiên trước đây, phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Ông Hòa cũng cho biết thêm: UBND TP.Đà Nẵng đang đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam tháo dỡ một phần đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện để tăng cường đẩy mặn cho thành phố Đà Nẵng do hiện nay đã dừng hoạt động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Theo đại diện Sở NN&PTNT, trên cơ sở đề nghị của UBND TP.Đà Nẵng, ngày 12/09, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy đã ký Công văn số 2037/TNN-NM gửi các Công ty quản lý, vận hành các hồ chứa: A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 và Công ty CP cấp nước Đà Nẵng về việc điều tiết, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia.

Theo văn bản trên, để giảm thiểu tình trạng xâm nhập mặn, góp phần bảo đảm nguồn nước cấp cho TP.Đà Nẵng trong điều kiện chưa có mưa, lũ trên lưu vực, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị các Công ty quản lý, vận hành thực hiện vận hành các hồ như sau:

Đối với các hồ chứa A Vương và sông Tranh 2: vận hành điều tiết với lưu lượng xả tương đương với lưu lượng đến hồ.

Đối với hồ chứa Sông Bung 4: vận hành điều tiết với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ.

Đối với hồ chứa Đăk Mi 4: vận hành xả nước qua đập về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 12,5m3/s.

Trường hợp cần thiết thì các Công ty phải sử dụng một phần dung tích chết của hồ chứa để điều tiết cấp nước cho hạ du.

Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng phải chủ động phối hợp với các Công ty quản lý, vận hành các hồ chứa nêu trên để khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ chứa. Đồng thời, phải chủ động bơm nước từ đập dâng An Trạch khi nguồn nước trên sông cầu Đỏ bị nhiễm mặn, không thể khai thác được, để bảo đảm cấp nước an toàn cho Thành phố Đà Nẵng.

Trong quá trình vận hành nếu có vấn đề phát sinh, đề nghị phản ánh về Cục Quản lý tài nguyên nước để kịp thời hướng dẫn, xử lý. 

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN