Đà Nẵng: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học cho nền nông nghiệp
(ĐCSVN) - Xác định tầm quan trọng của công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng nhiều đề tài/dự án vào thực tiễn đem lại những giá trị tích cực cho nền nông nghiệp thành phố.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng CNSH, Ngày 30/1/2023 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36 về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Theo đó, ngày 16/6/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 32-CTr/TU triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-01-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Xác định tầm quan trọng của công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng nhiều đề tài/dự án vào thực tiễn đem lại những giá trị tích cực cho nền nông nghiệp thành phố.
Các sản phẩm nghiên cứu và phát triển của Trung tâm Công nghệ sinh học |
Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng chủ trì đã tiếp nhận, làm chủ và hoàn thiện 5 quy trình kỹ thuật ứng dụng vào canh tác rau hữu cơ từ dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại TP. Đà Nẵng”, gồm: (1) Quy trình kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ và dung dịch dinh dưỡng cung cấp cho rau; (2) Quy trình kỹ thuật sản xuất các chế phẩm dùng trong phòng trừ sâu, bệnh hại rau sản xuất theo phương thức hữu cơ; (3) Quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ các loại rau thuộc nhóm rau ăn lá, rau ăn củ, rau gia vị; (4) Quy trình luân canh các cây rau với cây họ đậu để đảm bảo duy trì và tăng độ phì của đất; và (5) Quy trình kỹ thuật thu hoạch, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Các quy trình kỹ thuật trên do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Phát triển Nông nghiệp hữu cơ, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam là đơn vị chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, một trong những Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 được Trung tâm Công nghệ sinh học triển khai hiệu quả thời gian qua đó là “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại TP. Đà Nẵng”. Dự án đã xây dựng được mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau hữu cơ cung cấp thực phẩm sạch cho nhu cầu TP. Đà Nẵng, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của sản xuất rau, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp bền vững tại thành phố.
Thông qua Dự án này, đã đào tạo được 12 kỹ thuật viên cơ sở và 7 học viên từ các đơn vị, trường đại học ngoài dự án; Tập huấn cho 150 lượt nông dân trên địa bàn huyện Hòa Vang. Dự án đã xây dựng được 2 mô hình sản xuất rau hữu cơ với tổng quy mô 3,5 ha tại 2 cơ sở trên địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng là Công ty TNHH Tâm An Farm, xã Hòa Khương và Cơ sở xã hội Bầu Bàng (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), xã Hòa Bắc. Thông qua việc triển khai xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại cơ sở xã hội Bầu Bàng, dự án đã góp phần đào tạo nghề cho gần 500 đối tượng học viên có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở, góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ của người dân địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Với 22 quy trình kỹ thuật phục vụ canh tác hữu cơ đã được ứng dụng vào các mô hình cũng như qua kiểm tra, đánh giá, giám sát và cấp chứng nhận 16 sản phẩm rau hữu cơ của mô hình tại các địa điểm triển khai…; tổng sản lượng các loại rau thuộc đối tượng cây trồng của dự án (cải xanh, cải ngọt, cải cúc, cải bó xôi, rau dền, ray ngót, xà lách, đậu cove, dưa leo, cà chua, mướp đắng, ớt…) là 181,7 tấn, đạt kế hoạch đề ra.
Với mục tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quan măng tây xanh, phát triển rộng mô hình trồng măng tây xanh nhằm cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Hòa Vang. Tháng 9/2023, Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật từ quy trình trồng măng tây xanh để xây dựng mô hình ứng dụng trên địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” do TT CNSH Đà Nẵng chủ trì đã được nghiệm thu. Kết quả, đơn vị nghiên cứu đã xây dựng được Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch măng tây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Hòa Vang nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung. Đề tài đã lựa chọn được 03 giống măng tây xanh có triển vọng là: Grand, Atlas và Sunlim; bố trí thực nghiệm xử lý và ủ hạt giống đối với 03 loại giống và thu được 845 cây giống sau 60 ngày ươm. Trong đó, có 279 cây Atlas, 278 cây Grand và 288 cây Sunlim, đưa ra được tiêu chuẩn cây giống măng tây xanh trước khi trồng ra đồng ruộng.
Quy trình trồng cây măng tây xanh |
Mô hình trồng thử nghiệm măng tây xanh hiện đang triển khai trên khu đất với diện tích 500m2, nghiên cứu kỹ thuật bón phân theo 2 nghiệm thức: Áp dụng quy trình bón của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố; và sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp theo hướng dẫn kỹ thuật của Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn.
Ngoài ra còn có Đề tài “Nghiên cứu đánh giá quy trình sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh từ vi sinh vật phân lập tại thành phố Đà Nẵng xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ”. Đề tài đã xây dựng quy trình ứng dụng chế phẩm vào ủ bã thải rơm từ trồng nấm và phân bò thành phân bón hữu cơ trên cơ sở khảo sát tỷ lệ chế phẩm thử nghiệm, cũng như tỷ lệ các nguyên liệu ủ, nhằm xây dựng quy trình hiệu quả, tiết kiệm và tạo ra phân bón có khả năng ứng dụng vào trồng trọt. Kết quả phân tích một số chỉ tiêu dinh dưỡng và các yếu tố hạn chế (vi khuẩn E. coli và Salmonella) của phân hữu cơ thành phẩm đạt so với quy định tại Nghị định số: 84/2019 của Chính phủ và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-189:2019 27/8/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với kết quả nghiên cứu đó, đã đáp ứng được mục tiêu xây dựng quy trình ứng dụng chế phẩm vi sinh từ vi sinh vật bản địa xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ. Vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp đô thị, vừa biến rác thành nguồn nguyên liệu trong trồng trọt góp phần hạn chế chi phí nguyên liệu đầu vào, nâng cao lợi nhuận cho người dân.
Có thể nói, kết quả đạt được từ việc triển khai các đề tài/dự án là cơ sở quan trọng để Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất, các hộ nông dân tham gia triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng vào thực tiễn sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao, nâng cao đời sống cho bà con nông dân tại địa phương. Từ công tác triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Sở KH&CN đang tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị quản lý để cụ thể hóa định hướng phát triển “Nông nghiệp hữu cơ, sinh thái và nông nghiệp tuần hoàn” của ngành nông nghiệp thành phố Đà Nẵng.