Đà Nẵng: Giao cảng Sông Hàn cho lực lượng Biên phòng quản lý
(ĐCSVN) - Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi lãnh đạo thành phố về vụ việc tàu Thảo Vân 2 bị chìm trên sông Hàn ngày 4/6, khiến 3 nạn nhân tử vong.
Tàu Thảo Vân 2 vẫn bắt khách dù đã có quyết định cưỡng chế
Theo Sở GTVT, tàu Thảo Vân 2 (số hiệu ĐNa-0016) đến ngày 1/6/2016 chỉ có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa và Giấy chứng nhận thuyền trưởng hạng 3 của ông Võ Quốc Hùng (chủ tàu).
Cảng Sông Hàn sẽ được UBND thành phố Đà Nẵng giao cho
lực lượng Biên phòng quản lý. (Ảnh: KS)
Báo cáo cũng nêu rõ, tàu Thảo Vân 2 bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nhiều lần. Gần nhất, ngày 2/6, lãnh đạo Sở GTVT chủ trì tổ chức cuộc họp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy để xử lý đối với phương tiện này. Cuộc họp đã thống nhất tổ chức cưỡng chế đưa phương tiện nói trên về Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Sông Hàn để quản lý. Ngay trong chiều cùng ngày, các lực lượng đã triển khai việc cưỡng chế, tuy nhiên lực lượng liên ngành xử lý thiếu cương quyết và không theo dõi quản lý đối với phương tiện này dẫn đến tối ngày 4/6, tàu Thảo Vân 2 đã tự ý hoạt động không phép và để xảy ra tai nạn.
Theo Sở GTVT, đêm xảy ra vụ việc, ca trực của các lực lượng đang có mặt tại Cảng sông Hàn gồm Cảng vụ Đường thủy nội địa Đà Nẵng có ông Võ Ngọc Toản, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Trọng Thụ; Đội Quản lý Cảng Sông Hàn gồm ông Lê Chỉ Thuận, Đặng Văn Thống, Trần Hùng; Thanh tra Sở GTVT có ông Nguyễn Đức Anh Tú; Cảnh sát giao thông đường thủy có 2 người (Nguyễn Như Thùy, Nguyễn Đức Huy). Tại thời điểm này, lực lượng Cảng vụ cùng phối hợp với các đơn vị làm thủ tục trong đêm cho các phương tiện đủ điều kiện hoạt động cho 22 phương tiện, với 68 lượt, tổng số khách 1.204 khách.
Trong khoảng thời gian này, lợi dụng tình hình đông khách và các lực lượng đang tập trung xử lý thì tàu Thảo Vân 2 tự ý bắt khách và nhanh chóng vận chuyển ra ngoài sông trong vòng 10 -15 phút xảy ra sự cố tai nạn đáng tiếc. Như vậy, đây là sự thiếu sót, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý an ninh trật tự đối với phương tiện đậu đỗ tại bến của Đội quản lý cảng, Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảnh sát giao thông đường thủy, Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Sông Hàn và sự chỉ đạo không quyết liệt của lãnh đạo các đơn vị liên quan đã để xảy ra vụ chìm tàu đáng tiếc nói trên.
Giao cảng Sông Hàn cho lực lượng Biên phòng quản lý
Theo một thông tin khác, Thượng tá Nguyễn Thành Đính, Chỉ huy trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố vừa thống nhất chủ trương giao cảng Sông Hàn lại cho lực lượng Biên phòng quản lý. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã triệu tập các cá nhân để thông báo chủ trương và giao nhiệm vụ mới cho đơn vị trong việc quản lý cảng Sông Hàn. Theo đó, Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng sẽ là đơn vị chủ trì bảo đảm tình hình an ninh trật tự và là người quyết định cuối cùng việc cho tàu du lịch xuất bến, kiểm tra độ an toàn của phương tiện, nếu không bảo đảm sẽ kiên quyết không cho vận hành chở khách du lịch tham quan trên sông Hàn. Đồng thời, Biên phòng cũng là lực lượng chủ trì việc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên sông Hàn.
Ngoài việc siết chặt quản lý độ an toàn phương tiện trên sông, lực lượng Biên phòng sẽ siết chặt việc người và phương tiện ra vào bến qua nhiều lớp an ninh khác nhau; không để tình trạng người dân, du khách tùy tiện ra vào như hiện nay. "Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề nên cần sự chung tay của các sở, ban, ngành và ý thức của các chủ phương tiện và du khách tham gia. Sau khi được giao nhiệm vụ, Đồn Biên phòng đã xây dựng ngay đề án, kế hoạch quản lý cảng Sông Hàn để trình các cấp phê duyệt", Thượng tá Đính cho biết thêm./.