Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đã đến lúc kiểm soát “ma men” bằng luật hình sự

Thứ Ba, 07/06/2022 11:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Với những “ma men” cầm lái, dư luận xã hội cho rằng dù chưa gây hậu quả thì cũng phải phạt nặng, kể cả thu bằng lái, tịch thu phương tiện, thậm chí phạt tù theo Điều 260 Bộ Luật hình sự. Còn trong trường hợp gây tai nạn, thì cần tăng mức xử phạt hơn nữa mới đủ sức răn đe, mới giảm đi những cái chết thảm khốc, oan nghiệt của những người vô tội, bị vạ lây.

Hiện trường chiếc xe bị can Nguyễn Đức Thịnh gây tai nạn. Ảnh: TTXVN  

Ngày 4/6, Cơ quan điều tra Công an thành phố Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Thịnh (cán bộ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị can Thịnh là người điều khiển ô tô gây tai nạn giao thông làm 3 người tử vong vào đêm 2/6.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể cao gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa hiện hành. Vì thế, sau khi gây tai nạn, Thịnh vẫn chưa thể tỉnh hơi men. Chỉ đến sáng hôm sau, khi tay đã tra còng số 8 và hay tin mình là người gây tai nạn, Thịnh mới choàng tỉnh, cúi đầu xin lỗi gia đình người bị hại, người thân.

Và thế là chỉ vì một phút không tự chủ, để “ma men” đưa lối, dẫn đường mà giờ đây Thịnh phải đối mặt với bản án nghiêm khắc, bị cả xã hội lên án vì cùng lúc đã cướp đi sinh mạng của 3 người trong một gia đình một cách oan uổng… Đó là những nỗi đau mà đáng lẽ đã không xảy ra nếu ngồi sau tay lái không phải là “ma men”. Giá như… Đó chắc chắn là suy nghĩ của cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc những người uống bia rượu mà vẫn cố tình lái xe gây tai nạn chết người, rồi sau đó mới tỏ ra ân hận. Ngày 2/3, tại khu vực phường Cự Khối (Long Biên, Hà Nội), lái xe Vũ Văn Khải có nồng độ cồn vượt gấp đôi mức xử phạt tối đa điều khiển ôtô lao vào xe máy khiến hai người bị thương nặng. Trước đó, dư luận xã hội vẫn chưa quên vụ tai nạn giao thông đêm 30/4/2021 do Lê Trung Hiếu, sinh năm 1980 điều khiển xe Mercedes sau khi uống rượu bia đã khiến 2 người phụ nữ tử vong tại hầm Kim Liên (Hà Nội). Và cũng tại Hà Nội đã xảy ra vụ việc chị lao công nghèo bị xe tông chết, lái xe cũng uống rượu bia. Rồi ở Bình Định từng có tài xế Lexus sau khi uống bia rượu đã tông xe vào những người đang đi đưa tang…

Chưa hết, hệ lụy từ rượu bia mang lại là những con số “giật mình”. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan đến rượu, bia và con số này đang có xu hướng gia tăng. Viện Chiến lược và Chính sách y tế cũng cho biết, 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả của rượu, bia. Một kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với các nạn nhân nhập viện vì tai nạn giao thông cũng cho thấy, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.

Điều đáng buồn, nguy hiểm hiện nay là có một thực tế rượu bia không còn là thói quen xấu mà đã trở thành vấn nạn khi đi đâu, làm gì cũng cần phải có. Mà đã uống không chỉ nâng ly xã giao mà người ta phải say, phải nhiệt tình… Và trong các cuộc vui, không mấy người tự ý thức được những hiểm nguy rình rập. Họ vẫn tự tin là mình vẫn tỉnh táo, cố tình lái xe dù thần kinh đã bị phấn khích vì rượu, bia. Do đó đã có rất nhiều vụ tai nạn để lại hậu quả đau lòng, nguyên nhân cũng chỉ vì “ma men”… Và trong tương lai không biết xã hội còn bao nhiêu kẻ sắp "giết người" kiểu như thế này?

Theo Nghị định 100 và Nghị định 123 của Chính phủ hiện nay, hành vi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị phạt từ 18 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe lên tới 24 tháng. Tuy mức phạt so với thế giới là khá cao nhưng tình trạng sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông vẫn tiếp diễn gây nhiều hậu quả thương tâm.

Do đó, dư luận xã hội cho rằng, với những “ma men” cầm lái, dù chưa gây hậu quả thì cũng phải phạt nặng, kể cả thu bằng lái, tịch thu phương tiện, thậm chí phạt tù theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Bởi trên thế giới, bên cạnh xử phạt hành chính còn áp dụng nhiều hình phạt nặng khác như: Phạt tù, phạt lao động công ích, ghi nhận vi phạm trên hệ thống quản lý lái xe và phạt nặng ở hành vi tái phạm… Còn trong trường hợp gây tai nạn, thì cần tăng mức xử phạt hơn nữa mới đủ sức răn đe, mới giảm đi những cái chết thảm khốc, oan nghiệt của những người vô tội, bị vạ lây.

Nhiều chuyên gia còn “hiến kế” là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đa dạng hóa hình thức xử phạt như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe… Thậm chí lập các chốt công khai gần các quán nhậu và thông tin đến người dân cũng như quán nhậu biết, để từ đó, nếu khách hàng đã uống rượu, bia sẽ chủ động lựa chọn phương tiện đi về phù hợp.

Đồng tình với ý kiến dư luận, trao đổi với báo chí ngày 4/6, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị cơ quan chức năng hướng dẫn phạt tù lái xe say rượu theo điều 260 Bộ luật Hình sự. Ông Minh nhấn mạnh: "Cần sớm ban hành hướng dẫn để xử lý nghiêm khắc lái xe uống rượu bia. Lái xe phải bị phạt nặng tương ứng với hành vi. Vi phạm nồng độ cồn mức cao có thể bị phạt tù dù chưa gây hậu quả".

Tuy nhiên, dù luật có nghiêm khắc đến đâu, hình phạt có nặng đến mấy thì ý thức con người vẫn là điều tiên quyết nhất để ngăn chặn những vụ việc đau lòng như trên. Chỉ khi mỗi người nhận thức được hiểm họa của việc uống rượu, bia khi lái xe, kiên quyết trước những lời mời hay ép buộc, khi đó mới không còn những tiếc nuối, xót xa, ân hận, không còn phải thốt lên những câu như “biết thế”..., “giá như”... không uống rượu bia trước khi ngồi vào sau tay lái./.

 

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN