Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cuộc sống đổi thay của hộ nghèo dân tộc thiểu số miền núi Tây Nguyên

Thứ Ba, 26/07/2016 15:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mà hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có vốn làm ăn, tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Cũng theo đó, diện mạo vùng nông thôn miền núi Tây Nguyên đổi thay tích cực.

Vốn vay ưu đãi giúp các hộ đồng bào DTTS tại Đắk Lắk phát triển chăn nuôi dê 

Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Có dịp trở lại xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) gần đây, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng về sự phát triển, đổi thay nhanh chóng nơi đây. Sự đổi thay ấy dễ dàng nhận thấy qua những ngôi nhà mới kiên cố mọc lên san sát, giao thông đi lại thuận tiện, trường học, trạm xá được đầu tư xây dựng khang trang. Xã Ea Tul có 2.136 hộ, với số dân hơn 10.000 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Êđê chiếm 98%. Trước đây, Ea Tul vốn là một xã nghèo, năm 2010, toàn xã có đến 453 hộ nghèo, chiếm 22,8% số hộ toàn xã; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12 triệu đồng/năm. Nhiều công trình như điện đường, trường, trạm, nước sinh hoạt chưa được đầu tư khiến cho cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Dành khá nhiều thời gian trao đổi với chúng tôi về đời sống bà con trong buôn, già làng Y Riu Drơng (buôn Knia, xã Ea Tul) nhớ lại: “Ngày trước chưa có đường giao thông, bà con buôn làng đi làm nương rẫy vất vả lắm, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi. Trường học ở xa nên nhiều trẻ con trong làng bỏ học. Bà con có bệnh chỉ ở nhà cúng thần linh chứ không ra bệnh viện chữa trị vì xa xôi. Giờ thì khác rồi, đường nhựa đến tận buôn, xã, con em không còn bỏ học. Trạm y tế ở gần nên bà con ai cũng vui cái bụng. Bây giờ bà con còn được NHCSXH đưa vốn đến tận tay đối tượng thụ hưởng, giúp người dân nơi đây có vốn để trồng trọt, chăn nuôi và phát triển sản xuất”.

Chúng tôi được già làng Y Riu Drơng giới thiệu đi thăm gia đình anh Vũ Ngọc Liên (thôn 1, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) là một trong những tấm gương điển hình thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi. Anh Liên kể, năm 1998 gia đình anh vào xã Cư M’gar lập nghiệp trong điều kiện rất khó khăn, vợ chồng anh chủ yếu đi làm thuê cuốc mướn kiếm sống qua ngày. Năm 2008, được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp cho anh vay sáu triệu đồng từ Chi nhánh NHCSXH huyện Cư M’gar về đầu tư làm nghề nấu đậu khuôn và mua heo, bò giống về nuôi. Ba năm sau, anh trả xong nợ gốc và lãi cho ngân hàng rồi tiếp tục vay lại với số vốn nhiều hơn để mua đất trồng cà-phê và hoa màu. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2013 gia đình anh đã thoát nghèo và nuôi ba người con ăn học đến nơi đến chốn.

Cùng với anh Liên, gia đình ông Y Bắk Niê ở buôn H’Ra A cũng thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ông Y Bắk Niê tâm sự: Trước đây, do gia đình đông con, đất đai sản xuất chỉ được 2 sào nên suốt nhiều năm liền luôn bị cái nghèo bủa vây. Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi từ làm thuê, làm mướn. Năm 2014, NHCSXH huyện Cư M’gar đã cho gia đình ông vay vốn từ chương trình hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để chăn nuôi heo lấy thịt. Nhờ tính chịu khó học hỏi và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đến nay gia đình ông đã xuất chuồng được 2 lứa lợn và đang duy trì đàn lợn thịt, lợn đẻ với số lượng hơn 10 con, cho thu nhập ổn định.

Đến đây, chúng tôi mới cảm nhận rõ rằng, không chỉ anh Liên hay ông Y Bắk Niê mà còn rất nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo tại huyện Cư M’gar được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư M’gar Trần Văn Cường phấn khởi cho biết: “Nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã đi lên từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ðến nay, toàn huyện có hơn 32.000 hội viên nông dân thì đã có 2.063 hội viên được vay vốn với dư nợ hơn 84 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, sửa chữa nhà cửa,… Nhờ đó, chỉ từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 1.500 hộ nông dân thoát nghèo và có hơn 10.000 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

Đắk Lắk là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trong khu vực Tây Nguyên. Trong nhiều lý do, thiếu vốn sản xuất là nguyên nhân hàng đầu. Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tử Ân bộc bạch: “Với đồng bào nghèo, “cái khó bó cái khôn”. Vì vậy nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ cho vay vốn mà phải cùng đoàn thể, khuyến nông khuyến khích, hướng dẫn bà con…”

Sau hơn 3 năm thực hiện “Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng”, đến nay NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã phục vụ đến khắp các thôn, buôn ở 182 Điểm giao dịch xã với 4.457 Tổ tiết kiệm và vay vốn, kịp thời giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tiếp cận vốn dễ dàng.

Đến 30/6/2016, dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh đạt trên 3 nghìn tỷ đồng với gần 200 nghìn khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn cho vay từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 giảm từ 7% xuống còn 5,5% năm 2015. Các chương trình tín dụng chính sách cho vay đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống, con em các gia đình khó khăn có tiền để trang trải chi phí học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề. Chương trình cho vay NS&VSMTNT đã nâng cao chất lượng cuộc sống giúp người dân được dùng nước sạch góp phần xây dựng chương trình nông thôn mới trên địa bàn.

Tuy nhiên, thành công lớn nhất NHCSXH đã góp phần làm thay đổi tâm lý buông xuôi, ỷ lại vốn hằn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS. Thay đổi được tâm lý đồng bào nhưng cũng phải “có thực mới vực được đạo” nghĩa là phải giúp đồng bào về vốn. Tín dụng chính sách chính là công cụ, là phương tiện hỗ trợ hiệu quả cho công tác vận động, tuyên truyền từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác, sản xuất manh mún lạc hậu lâu nay của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...” Ông Ân khẳng định.

Đến nay, NHCSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng ưu đãi như chương trình hộ nghèo, chương trình hộ cận nghèo, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường…Ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi này,  NHCSXH tỉnh còn triển khai ba chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào DTTS gồm: Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015; chương trình hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015; Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Chính phủ. Trong giai đoạn 2005 đến hết năm 2014, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với đồng bào DTTS tại NHCSXH tỉnh có tổng dư nợ đạt hơn 20 tỷ đồng với gần 3.000 hộ vay vốn. Do đó, đây được xem là chính sách hợp lòng dân, đáp ứng được sự mong đợi của các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn.

Cùng với những thành tựu đạt được, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách này trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn và thách thức, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các chương trình này.

Một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ dân tộc thiểu số, do Ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Trong hai năm 2014-2015, một số chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ dân tộc thiểu số do NHCSXH thực hiện chưa được cấp đủ vốn và kịp thời. Bên cạnh đó, các hộ đồng bào DTTS thường thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, tư duy làm ăn đơn giản, do đó hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vay vốn cũng như tạo bước đệm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, giờ đây mong muốn của NHCSXH là được phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm, huy động và tạo thêm nguồn vốn bổ sung để kịp thời cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện tốt những vấn đề này chính là giải pháp căn bản để tín dụng chính sách phát huy tối đa hiệu quả trong đời sống xã hội, góp phần cải thiện, chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

 

 

 

Phương Lê (KCNB)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN