Cuộc khủng hoảng lương thực ở Afghanistan tồi tệ nhất trên thế giới
(ĐCSVN) – Hơn một nửa dân số Afghanistan sẽ phải đối mặt với nạn đói vào tháng 11, con số kỷ lục 22,8 triệu người. Đây là kết luận của Báo cáo phân loại giai đoạn an ninh lương thực được công bố ngày 25/10.
Các bà mẹ và trẻ em tại một phòng khám dinh dưỡng di động do WFP hỗ trợ ở Herat, Afghanistan. (Ảnh: UN) |
Tài liệu do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thực hiện. Các cơ quan đang đẩy mạnh kêu gọi viện trợ quốc tế khi Afghanistan đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo, nhiều nhân tố góp phần làm trầm trọng thêm nạn đói tại Afghanistan như: hạn hán, xung đột, đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế.
FAO và WFP tiến hành điều tra thực tế vào thời điểm giá lạnh đang bắt đầu hoành hành trên khắp đất nước Afghanistan. Mùa Đông ở Afghanistan rất khắc nghiệt và nhiệt độ rất thấp, việc tiếp cận một số khu vực bị cản trở trong những tháng giá lạnh, khiến một số gia đình gặp khó khăn trong việc tiếp cận viện trợ nhân đạo.
Báo cáo của FAO và WFP nhấn mạnh rằng trong số 2 người Afghanistan thì có tới hơn 1 người sẽ phải đối mặt với mức độ nghiêm trọng hoặc khẩn cấp của tình trạng mất an ninh lương thực trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm nay đến tháng 3 năm 2022. Do đó, các can thiệp nhân đạo khẩn cấp sẽ là cần thiết để bảo đảm rằng người dân nhận được các thực phẩm cơ bản và tránh một “thảm họa nhân đạo”.
Tổng Giám đốc FAO cho biết nhu cầu cấp bách là "phải hành động hiệu quả để tăng tốc độ cung cấp viện trợ trước khi mùa đông đến với hầu hết đất nước, với hàng triệu người, bao gồm nông dân, phụ nữ, trẻ em và người già”.
Về phần mình, Giám đốc điều hành WFP David Beasley nhấn mạnh rằng Afghanistan đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với sự sụp đổ của an ninh lương thực.
Kể từ cuộc khảo sát cuối cùng vào tháng 4, tổng số người Afghanistan bị đói cấp tính đã tăng 37%, trong đó có 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng vào cuối năm nay.
Lần đầu tiên, người dân thành thị phải đối mặt với tình trạng mất an toàn thực phẩm ở mức độ tương đương với cộng đồng ở nông thôn. Với tỷ lệ thất nghiệp cao và khủng hoảng thanh khoản, tất cả các trung tâm đô thị lớn ở Afghanistan sẽ phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực cao, trong đó có cả tầng lớp trung lưu.
Hậu quả nặng nề của hạn hán ở các vùng nông thôn đã ảnh hưởng đến sinh kế của 7,3 triệu người vốn phải sống dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi.
Trong bối cảnh đó, FAO và WFP cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn tài chính trầm trọng để tài trợ cho các hoạt động nhân đạo ở nước này và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động trước khi quá muộn. Hiện chỉ 1/3 kế hoạch ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc đối với Afghanistan được tài trợ./.