Cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ
(ĐCSVN) - Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đó là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ.
Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào chiều sâu. (Ảnh: PC) |
Ngày 3/10, sau phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Trung ương đã thảo luận và quyết định một số nội dung về công tác cán bộ. Theo đó, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm, căn cứ quy định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng 1 người và biểu quyết, thống nhất để 3 người thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trước đó, trong báo cáo kết quả công tác phòng chống tham nhũng 10 năm qua, Ban Nội chính Trung ương cho biết, tính đến tháng 6/2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Đặc biệt thời gian gần đây, công cuộc phòng chống tham nhũng càng trở nên “nóng” hơn với khởi nguồn từ vi phạm pháp luật của Công ty Việt Á. Chỉ sau 6 tháng điều tra hàng loạt sai phạm liên quan đến công ty này đã có hơn 60 cá nhân đã bị khởi tố. Điều này cho thấy, quyết tâm rất lớn của Đảng, của các cơ quan tư pháp trong phòng chống tham nhũng với một tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Và việc cho thôi chức 3 Ủy viên Trung ương sau khi những cán bộ này bị kỷ luật cũng chính là bước cụ thể hóa Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Điều này khẳng định phương châm “có vào, có ra”, “có lên, có xuống” trong công tác cán bộ đã được đề cập từ nhiều năm trước đã trở thành bình thường trong công tác cán bộ. Công tác này không phải luôn “đóng khung”, tức là đã “vào” rồi thì không có “ra”, đã “lên” rồi thì không có “xuống” như một số ý kiến trước kia hay đề cập. Điều này cũng khẳng định sự lãnh đạo thống nhất, sát với thực tế hiện nay. Không còn có hiện tượng cán bộ bị xử lý kỷ luật xong lại được cất nhắc ở vị trí tương đương, thậm chí sau một thời gian lại được “nâng đỡ” thăng chức.
Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, 7 Ủy viên Trung ương Đảng đã lần lượt nhận các hình thức kỷ luật Đảng gồm cách chức, thôi chức, khai trừ Đảng. Đó là các ông: Trần Văn Nam (SN 1963), cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Chu Ngọc Anh (SN 1965) cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thanh Long (SN 1966) cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Xuân Thăng (SN 1966) cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Huỳnh Tấn Việt (SN 1962) Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; Nguyễn Thành Phong (SN 1962) nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang (SN 1975), Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Có thể nói, những chuyển động thời gian gần đây trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Nhân dân. Nhiều người cho rằng, việc một lúc nhiều cán bộ cấp chiến lược ra khỏi Trung ương, dù với bất cứ lý do gì cũng là nỗi buồn chung, nỗi xót xa chung và thật là đau xót. Bởi để đào tạo một cán bộ cấp cao không phải ngày một, ngày hai, trong đó có những người đang ở độ tuổi gần như “chín” về mọi mặt. Mặt khác, các cấp ủy đảng từ Trung ương xuống cơ sở đã tiến hành rất bài bản công tác quy hoạch, lựa chọn, đào tạo, thực hiện 5 bước quy trình công tác cán bộ, nhưng vẫn để lọt những người hư hỏng.
Nhưng dù sao thì việc thực hiện nghiêm minh này cũng thêm một lần khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự nói đi đôi với làm và sẵn sàng đưa ra khỏi đội ngũ những người không còn xứng đáng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với diễn biến từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định giúp các tổ chức Đảng và đảng viên sớm nhận diện các biểu hiện vi phạm, tránh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chính vì thế khi xem xét vi phạm của đảng viên, tổ chức Đảng cũng sẽ sớm kết luận, đánh giá mức độ cũng như tính chất của các khuyết điểm để có hình thức xử lý.
Chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp. Trong lĩnh vực này dù "không có tiếng súng" nhưng cũng đầy nguy hiểm. Nhưng chúng ta tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, "trên - dưới đồng lòng", “dọc ngang thông suốt”, cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, nạn tham nhũng chắc chắn sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, niềm tin của Nhân dân với Đảng chắc chắn sẽ được củng cố, nâng cao. Quyết tâm lớn đã biến thành hành động lớn!