Cuộc chiến không đường lùi
(ĐCSVN) – Biến đổi khí hậu vốn đã không còn là một khái niệm mới đối với con người. Thời điểm hiện tại, biến đổi khí hậu được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI do sức ảnh hưởng kinh hoàng và trực tiếp tác động đến trái đất, trong đó có hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người…
Lũ lụt và sạt lở đất - hậu quả trực tiếp của quá trình biến đổi khí hậu. |
Biến đổi khí hậu – mối đe dọa hiện hữu
Liên tục trong thời gian gần đây, một loạt báo cáo mới đều đặn được Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế khác đưa ra đã củng cố một thông điệp rõ ràng: Biến đổi khí hậu do con người gây ra là một mối đe dọa cấp bách, nếu không muốn nói là hiện hữu đối với mọi sự sống trên trái đất.
Mặc dù theo các nhà khoa học, để tránh biến đổi khí hậu thảm khốc, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu phải được giữ ở mức không quá 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng khả năng thế giới nóng lên trong vòng 5 năm tới vẫn tiếp tục gia tăng. Trong bản báo cáo cập nhật khí hậu hàng năm, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết trong giai đoạn từ năm 2023 – 2027, có tới 66% khả năng nhiệt độ hành tinh sẽ tăng lên trên mức 1,5°C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất 1 năm của giai đoạn 5 năm sắp tới. Bên cạnh đó, có 98% khả năng là ít nhất 1 năm trong giai đoạn 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ ghi nhận mức nóng kỷ lục đối với hành tinh. Theo WMO, việc vi phạm ngưỡng 1,5°C được quy định trong Thỏa thuận khí hậu Paris có thể chỉ là tạm thời, nhưng đó sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy biến đổi khí hậu đang tăng tốc nhanh như thế nào: đẩy nhanh hiện tượng nước biển dâng, thời tiết khắc nghiệt hơn và làm suy thoái các hệ sinh thái quan trọng… Không những thế, trong bản cập nhật khoa học về khí hậu, 50 nhà khoa học hàng đầu thế giới mới đây cũng cảnh báo: Từ năm 2013 – 2022, sự nóng lên của trái đất do con người gây ra đã tăng với tốc độ chưa từng thấy là hơn 0,2°C mỗi thập kỷ.
Có thể thấy rằng khắp mọi nơi trên trái đất, từ vùng ôn đới đến vùng lạnh giá qua sa mạc và vùng nhiệt đới, nhiệt độ cao đã không đợi đến mùa hè mới ập tới mà liên tục xuất hiện ngay từ mùa xuân. Theo bản cập nhật do Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đưa ra hôm 14/6, thế giới vừa trải qua tháng 5 nóng thứ ba trong lịch sử 174 năm. Và trong tháng 6, nhiệt độ toàn cầu cũng tiếp tục tăng nhanh đến mức thiết lập các kỷ lục và đây được cho là một dấu hiệu đáng lo ngại của cuộc khủng hoảng khí hậu trước thềm El Nino, với khả năng đưa năm 2023 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Thực tế kể từ tháng 3, nhiều làn sóng nhiệt đã liên tục xuất hiện ở những nơi khác nhau của châu Á và các kỷ lục bị phá gần như mỗi ngày ở phía Đông Nam của châu lục. Kể từ đầu tháng 6, vùng Đông Bắc Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi một đợt nắng nóng. Thái Lan và Ấn Độ cũng bị tác động với mức nhiệt 38,5°C vào ngày 10/6 tại Mumbai (Ấn Độ) – mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trong tháng 6. Trong khi đó, những ngày gần đây, nhiệt độ cao nhất ở châu Âu cũng đã được ghi nhận tại Nga: 39,4°C ở Alexandrov Gay vào ngày 14/6. Xa hơn về phía Bắc, Siberia dường như đã thay đổi khí hậu kể từ đầu tháng 6 với mức nhiệt 40,1°C ở Klioutchi vào ngày 7/6. Tình trạng tương tự ở Kazakhstan với 39,8°C vào ngày 14/6 ở Novi Ushtogan.
Châu Mỹ cũng đang nóng lên khắp nơi. Ở phía Tây Bắc Canada, Alberta đã được bao phủ trong nền nhiệt cao vào tháng 5 với nhiệt độ 30°C ở cửa Bắc Cực, tạo điều kiện “lý tưởng” cho nhiều đám cháy bùng phát vài tuần sau đó. Hiện ở Mexico cũng đang chứng kiến sự gia tăng nhiệt độ “ngoạn mục”: 33,6°C vào ngày 15/6 tại thành phố Mexico – ngày nóng nhất trong tháng 6 từng được ghi nhận ở thành phố và thậm chí 35°C ở độ cao 2.650m tại The Bufa. Ở Trung Mỹ, Belize cũng đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất. Và vùng Caribe cũng không ngoại lệ khi đối mặt với đợt nắng nóng lịch sử trong nhiều tuần: 38°C tại Trujillo ở Honduras – một kỷ lục trong tháng 6. Trong khi đó, nắng nóng cực độ đã tấn công Trung Đông những ngày gần đây với nhiệt độ lên tới 49°C ở Oman. Và tại Nam Phi, mùa đông đang đến nhưng quốc gia này lại ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 35,4°C ở Komatidraai, cao hơn 10°C so với mức bình thường trong mùa.
Đáng chú ý, nhiệt độ bề mặt trung bình của tất cả các đại dương cộng lại đã đạt mức kỷ lục kể từ giữa tháng 1/2023: với 20,9°C vào ngày 14/6, nhiệt độ bề mặt của các đại dương cao hơn khoảng 1°C so với mức trung bình của giai đoạn 1982 – 2011. Diện tích băng biển đã xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận trong mùa xuân: 10 triệu km2, so với mức trung bình 12 triệu km2. Năm 2023 cũng là năm thứ 8 liên tiếp diện tích băng trên biển ở mức dưới mức trung bình vào thời điểm này trong năm. Sự tan chảy này gia tăng do nhiệt độ không ngừng nhích lên.
Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của các thế hệ hiện tại và tương lai. |
Cuộc chiến không đường lùi
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo, thế giới cần duy trì nhiệt độ trái đất không tăng vượt ngưỡng 1,5°C để tránh những tác động thảm khốc và có nguy cơ không thể đảo ngược. Nếu trái đất nóng lên trên mức này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng như hủy diệt các rạn san hô hay tan chảy các tảng băng ở hai cực và điều này sẽ làm tăng mực nước biển, tàn phá các cộng đồng ven biển… Chỉ tính riêng tại Mỹ, 13 triệu người có thể buộc phải di dời do mực nước biển dâng vào cuối thế kỷ này; trong khi đối với nhiều quốc đảo nằm ở vùng thấp Thái Bình Dương, nóng lên trên 1,5°C là mối đe dọa đối với sự sống còn của họ. Không những thế, nhiệt độ tăng cao cũng làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: hạn hán, bão, cháy rừng và sóng nhiệt. Đồng thời, theo NASA, việc hạn chế sự nóng lên ở mức dưới 1,5°C có thể giúp giảm khoảng 420 triệu người phải tiếp xúc với sóng nhiệt cực đoan…
Không thể phủ nhận rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và thế giới không còn thời gian để chậm trễ. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cho thấy rõ ràng thiên nhiên đang ứng phó với sự thay đổi khí hậu do con người tạo ra, và hợp tác với thiên nhiên được coi là một trong những cách tốt nhất để khôi phục sự cân bằng. Song việc làm này sẽ đòi hỏi đầu tư rất nhiều và “đại tu” lại cách chúng ta tương tác với thế giới tự nhiên.
Theo các chuyên gia, lồng ghép hành động khí hậu hiệu quả và công bằng sẽ không chỉ giúp giảm tổn thất và thiệt hại cho thiên nhiên và con người, mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn. Giải pháp nằm ở sự phát triển thích ứng với khí hậu. Điều này liên quan đến việc tích hợp các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cùng các hành động để giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính theo những cách cung cấp lợi ích rộng lớn hơn, tiêu biểu như tiếp cận với năng lượng sạch và công nghệ giúp cải thiện sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em…
Tuy nhiên lại tồn tại một thực tế là mặc dù than đá là loại nhiên liệu gây ô nhiễm và nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu, song chưa bao giờ nhân loại đốt cháy nhiều than đá như thời gian qua. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, năm 2022, thế giới tiêu thụ hơn 8 tỷ tấn than, tăng 1,2% so năm trước đó và vượt mức kỷ lục được thiết lập năm 2013. Giám đốc phụ trách các thị trường và an ninh năng lượng tại IEA Keisuke Sadamori nhận định, thế giới đang tiến gần đến mức đỉnh điểm về tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Theo số liệu của Liên hợp quốc, việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguồn chính tạo ra CO2 và là yếu tố đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu, chiếm gần 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong đó, than đá tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều nhất, gấp đôi so với khí tự nhiên. Vì vậy, một trong những chìa khóa quan trọng để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thành công là giảm sử dụng than đá trong sản xuất năng lượng. Song con số kỷ lục hơn 8 tỷ tấn than đang khiến việc đạt được mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng nhiệt của trái đất ngày càng xa tầm với. Đáng lo ngại là nhu cầu tiêu thụ than đá trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì cho đến năm 2025, nếu các nước không tăng tốc trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thêm vào đó, một vấn đề mấu chốt khác là cần có đủ nguồn tài chính để nhanh chóng giảm phát thải khí nhà kính. Tăng cường tài chính cho đầu tư khí hậu là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Hành động tăng tốc về khí hậu sẽ chỉ xảy ra nếu các nước có đủ tiềm lực tài chính. Từ năng lượng tái tạo và giao thông vận tải điện, đến tái trồng rừng và thay đổi lối sống…, có vô số giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà nhiều người coi là mối đe dọa hiện hữu của thời đại chúng ta. Song hiện vẫn chưa rõ nguồn tài chính sẽ đến từ đâu để đủ chi trả cho tất cả những điều này?! Hơn một thập kỷ trước, các nước phát triển đã cam kết cùng huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để hỗ trợ hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển; song con số này chưa bao giờ đạt được. Hiện nhu cầu tài chính cho khí hậu là rất lớn. Liên hợp quốc cho rằng, thế giới cần phân bổ 1.000 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 cho các nước đang phát triển ngoài Trung Quốc để ứng phó với khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học. Trong khi tổ chức Oxfam ước tính rằng, 27.000 tỷ USD sẽ phải được huy động để "chống đói nghèo, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển" từ nay đến năm 2030. Ngân hàng Thế giới (WB) lại đưa ra ước tính thậm chí còn cao hơn; theo đó, thế giới sẽ cần 4.000 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 để xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển… Mặc dù Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, ngày 22/6, từng cho biết, các nước giàu đã thực hiện được mục tiêu tái phân bổ 100 tỷ USD nguồn vốn từ thể chế này cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển, song nhu cầu tài chính cho khí hậu vẫn còn vô cùng lớn và cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi cứ mỗi giây phút trôi qua, con người lại càng chậm trễ hơn trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu và thiệt hại không chỉ là kinh tế, tài chính mà là cả sinh mạng.
Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) hồi cuối năm ngoái, đại diện của các quốc gia đã thông qua điều khoản của thỏa thuận liên quan việc thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu. Đây được đánh giá là một bước tiến lịch sử quan trọng mà như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định: “Rõ ràng, điều này sẽ không đủ, nhưng đó là một tín hiệu chính trị rất cần thiết để xây dựng lại niềm tin đã bị phá vỡ”.
Và dự kiến, tại Hội nghị COP28 diễn ra vào cuối năm nay ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), các nhà lãnh đạo thế giới sẽ được tiếp cận dữ liệu cập nhật mới. Các nước trên thế giới sẽ cùng nhau đánh giá những thành quả đạt được dựa trên bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stocktake) cũng như tiến độ hướng tới các mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận khí hậu Paris. Và năm 2023, vì vậy, là thời điểm quan trọng để cả thế giới cùng tăng tốc hành động nhằm ngăn chặn những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu, khi mà những cam kết của các quốc gia cần quyết liệt hơn bao giờ hết; đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy tính dễ tổn thương của nhân loại trước những thách thức an ninh không biên giới, đòi hỏi sự phản ứng toàn cầu mạnh mẽ nhằm không đẩy trái đất tới “điểm tới hạn”. Dù con đường tiến về phía trước còn rất dài và nhiều gian nan, nhưng chúng ta chắc chắn không thể từ bỏ quyết tâm và hành động để cân bằng giữa thiên nhiên với cuộc sống, để bảo vệ trái đất hay cũng chính là bảo vệ sự sống của mỗi con người trong cả hiện tại và tương lai./.