Củng cố niềm tin vào công tác điều hành kinh tế
(ĐCSVN) - Hiện lãi suất và tỷ giá là những về vấn đề không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đều đang rất quan tâm. Các ngân hàng trung ương đều phải “đau đầu” ứng phó. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã buộc phải chủ động cho phép tỷ giá biến động rộng hơn và điều chỉnh linh hoạt lãi suất điều hành để kiểm soát tốt hơn được thị trường ngoại hối. Qua đó góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp vào công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Năm 2022, kinh tế thế giới biến động rất lớn. Đặc biệt ở thời điểm cuối năm 2022, nhiều quốc gia đánh giá lạm phát chỉ là yếu tố tạm thời nhưng hiện nay, lạm phát đã trở thành xu hướng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các nước đều tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến. Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng mạnh. Đồng nghĩa, hầu hết các đồng tiền nội tệ khác trên thế giới mất giá rất mạnh trong tương quan với đồng USD. Trong đó, nhiều đồng tiền đã mất giá 10-30%. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối của các nước đều suy giảm mạnh. Đến nay, dự trữ của các nước đã suy giảm đến 1.000 tỷ USD.
Cùng với bối cảnh thế giới biến động phức tạp, chính sách tiền tệ trong nước lại gặp thêm nhiều áp lực từ diễn biến của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, chính sách tiền tệ lại được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Ngay cả trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng, Ngân hàng Nhà nước vẫn được giao nhiệm vụ cố gắng giảm 0,5-1% lãi suất trong năm 2022-2023.
Với vai trò cơ quan quản lý, trong 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước nhất quán phối hợp các cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt, dùng các công cụ và liều lượng hợp lý vào từng thời điểm, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát bình quân 9 tháng 2,73%, lạm phát cả năm 2022 nhiều khả năng dưới 4%, thấp hơn nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng 10 tháng tăng trên 11% và tăng 16-17% so với cùng kỳ, đây là mức rất cao và là yếu tố góp phần giúp cho tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt 8%. Đồng thời, tỷ giá, lãi suất 9 tháng đầu năm cũng cơ bản ổn định, thanh khoản được điều tiết tốt.
Đặc biệt trên thị trường tiền tệ, thanh khoản ngân hàng thậm chí có dư thừa trong 9 tháng đầu năm 2022. Mặt bằng lãi suất dù không giảm được nhưng cũng chỉ tăng 0,3-0,4% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 10/2022, thị trường tiền tệ và ngoại hối trong nước biến động mạnh, chủ yếu do tâm lý kỳ vọng, do các thông tin không đúng sự thật... đã tác động mạnh tới hoạt động của tổ chức tín dụng cũng như diễn biến của thị trường ngoại tệ.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng. Đối với thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn. Bởi nếu ổn định lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối. Trong khi đó, ổn định thị trường ngoại hối có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ trên nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thẳng thắn nêu rõ, quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ là phải xác định được mục tiêu trọng tâm của giai đoạn đó là gì nhưng trên tinh thần xuyên suốt là phải kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô. Còn trong ngắn hạn sẽ phải đánh đổi các mục tiêu. Thí dụ để ổn định tỷ giá thì chấp nhận lãi suất phải tăng, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đến doanh nghiệp, đến tăng trưởng GDP. Trong thời gian trước đây, Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng. Bởi lúc đó mà điều chỉnh tăng room tín dụng thì sự kiện tháng 10 vừa qua sẽ rất khó khăn để giải quyết và ảnh hưởng tới khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng cũng như thị trường ngoại hối.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một số thông điệp quan trọng liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. Về tổng thể, Ngân hàng Nhà nước cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và biến động trong tháng 10 chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý.
Trên thực tế, trong cuộc họp với các ngân hàng thương mại gần đây, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận về điểm nghẽn thanh khoản của thị trường, và yêu cầu các ngân hàng thương mại nên tăng cường hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống và của từng ngân hàng. Các ngân hàng thương mại trong hệ thống đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định, nhằm giải đáp những lo ngại của thị trường trong thời gian qua.
Về định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm. Đặc biệt, việc đẩy mạnh sử dụng công cụ tài khóa cũng được nhắc đến nhằm giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
Báo cáo trước Quốc hội, đánh giá cao sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với bối cảnh trước mắt, công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh biên độ tỷ giá và nâng lãi suất điều hành ở mức độ hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột (điều hành giật cục).
Trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng; có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế.
Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn. Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả nền kinh tế.