Cử tri với Quốc hội
(ĐCSVN) - Ngày 22/5, tại Hà Nội, khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Giống như những kỳ họp trước, cử tri luôn kỳ vọng những ý kiến, kiến nghị chính đáng của họ về vấn đế quốc kế dân sinh bức xúc phải đến được với Quốc hội.
Hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới. (Ảnh có tính minh họa, Nguồn: baochinhphu.vn)
5 tháng sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, nền kinh tế quốc gia nói chung, cuộc sống của nhân dân nói riêng có nhiều đổi thay. Sự đổi thay luôn có cả những yếu tố tích cực và hạn chế.
Cùng với sự đổi mới của Quốc hội là sự đổi mới Chính phủ. Một Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, quyết liệt hành động” đã và đang tạo ra dấu ấn trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Không khó để cử tri nhận diện các chính sách an sinh xã hội đang ngày càng tốt hơn, đặc biệt với người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, sự cố môi trường biển... Cùng với đó là việc Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp; đẩy mạnh việc phòng, chống lãng phí, tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính; v.v.
Ở góc nhìn khác, cử tri không thể không quan ngại khi GDP quý I chỉ tăng 5,1%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây; nợ công vẫn ở mức cao; chất lượng, năng suất lao động còn thấp; việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra ở không ít địa phương; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được cải thiện nhiều; người nông dân vẫn gặp khó khăn trong việc chăn nuôi (đặc biệt là nuôi lợn) và tiêu thụ nông sản; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp; hiện tượng sạt lở bờ sông, ven biển ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long diễn biến phức tạp; tình trạng khai thác cát trái phép ở một số địa phương chưa được ngăn chặn kịp thời; v.v.
Những quan ngại về tình hình kinh tế- xã hội mà cử tri nhận diện, nêu ý kiến, dù chưa chắc đã phải là chân lý tuyệt đối, nhưng không thể bàng quang, coi nhẹ. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là tích cực tham gia đóng góp ý kiến, chuyển tải những ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội.
Cuộc sống luôn luôn đi trước, rồi pháp luật mới đi theo để điều chỉnh cuộc sống. Điều đó có thể xem như thông điệp, mỗi khi bấm nút thông qua các luật mới và sửa đổi, bổ sung các luật cũ, hay quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh, nghị trường Quốc hội phải đầy ắp tiếng dân, hòa chung với nhịp đập của cuộc sống, đồng thời có những dự liệu chính xác cho tương lai. Làm được điều đó, Quốc hội tiếp tục thực hiện việc tranh luận, phản biện tại nghị trường để có sự đồng thuận cao trong mỗi quyết sách.
Một Quốc hội gần dân, trọng dân và vì dân sẽ giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng mà đất nước và nhân dân đang cần!