Cử tri Thủ đô kiến nghị nhiều vấn đề bức thiết về đời sống dân sinh
(ĐCSVN) - Cử tri Thủ đô kiến nghị UBND thành phố (TP) Hà Nội cần tăng cường giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, các vụ việc tồn đọng kéo dài; tích cực giải quyết vấn đề dân sinh, góp phần ổn định tình hình, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương báo cáo tại kỳ họp |
Đó là một trong những kiến nghị của cử tri Thủ đô gửi đến Kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra ngày 7/12.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; tham gia xây dựng chính quyền năm 2020 của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, cử tri, nhân dân Thủ đô phấn khởi trước những kết quả đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội của TP trong năm 2020. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng cơ bản thành phố vẫn đạt được mục tiêu tổng quát, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu chủ yếu, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 3,94%, cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước.
Cử tri, nhân dân cũng đánh giá cao sự quyết liệt và đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức có chuyển biến rõ rệt. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Một số vụ án lớn được xét xử công minh với nhiều bản án nghiêm khắc, dư luận đánh giá cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, cử tri và nhân dân Thủ đô cũng nêu ý kiến, kiến nghị một số nhóm vấn đề bức thiết liên quan đến đời sống dân sinh. Cụ thể, đề nghị TP tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; triển khai cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể, chung cư cũ đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người dân; kiến nghị với Chính phủ có cơ chế, giải pháp để thành phố đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, cải tạo chung cư cũ...
Cử tri cũng đề nghị UBND TP đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, tránh tâm lý chủ quan, dễ gây bùng phát dịch trở lại. Bên cạnh đó, TP cần tiếp tục điều hành quyết liệt để thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế; quan tâm công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường không khí Thủ đô.
UBND TP Hà Nội cần tăng cường giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, các vụ việc tồn đọng kéo dài. Cùng với đó, tích cực giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc, không để thành điểm nóng, góp phần ổn định tình hình, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đáng chú ý, hiện nay, việc triển khai các Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ còn chậm. Do đó, cử tri đề nghị, HĐND TP, UBND TP đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản của TP về việc thực hiện Luật và các chính sách của Nhà nước. HĐND và UBND TP đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về giải pháp, việc làm cụ thể để cải thiện chỉ số như “Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam” (PAPI) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố. Qua đó góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Liên quan đến công tác tham gia xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn TP, báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nêu rõ: Năm 2020 là năm diễn ra đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động. Qua đó nhằm thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2020. MTTQ các cấp cũng chủ động thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp.
Trong thời gian chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp đã tổ chức 406 hội nghị góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp; có 4.335 lượt ý kiến tham gia vào báo cáo chính trị; 4.392 lượt ý kiến tham gia vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2015-2020. Ý kiến góp ý đã được các cấp ủy Đảng tiếp thu, qua đó góp phần nâng cao chất lượng văn kiện phục vụ đại hội đảng bộ các cấp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, lý luận góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với gần 40 ý kiến góp ý trong đó có 11 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị.
Thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội, năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP đã phối hợp tổ chức 644 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, trong đó cấp huyện tổ chức 36 hội nghị đối thoại, cấp xã 615 hội nghị. Tại các hội nghị, nhân dân đã kiến nghị xem xét một số vấn đề nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên địa bàn dân cư. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân, đồng thời giải đáp kịp thời những vấn đề dân sinh gây bức xúc…./.