Cử tri đánh giá Kỳ họp thứ 8 sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm
(ĐCSVN) - Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14 đã kết thúc sau hơn 1 tháng làm việc. Kỳ họp này thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước với những phiên chất vấn sôi nổi tại nghị trường; những phát biểu thẳng thắn, trực diện của các đại biểu Quốc hội; những quyết định thận trọng và trách nhiệm cao trước đất nước và nhân dân.
Cử tri Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá, việc thông qua Luật Lao động (sửa đổi) là một trong những nội dung ấn tượng, được người dân và cử tri cả nước quan tâm. Trong đó, quy định về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 là vấn đề được chú ý nhất.
“Với 16 điểm mới (10 điểm mới với người lao động và 6 điểm mới với người sử dụng lao động), Bộ luật có tác động sâu sắc đến người lao động, và có ý nghĩa trong xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Bộ Luật bổ sung thêm nhiều quyền, lợi ích hợp pháp khác cho người lao động”, cử tri Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Cử tri Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội . Ảnh: T.Hằng |
Tuy nhiên, cử tri Hùng cho rằng, để thực hiện tốt các quy định trong Luật, thì ngay sau khi Luật bắt đầu có hiệu lực, phải có chương trình tuyên truyền phổ biến Luật một cách sâu rộng để đông đảo người lao động hiểu thấu đáo. Bởi trên thực tế, nhiều Luật chưa đi vào tận lòng dân là do việc tuyên truyền, phố biến của chúng ta còn ở từng mức độ khác nhau. Đơn cử như việc tuyên truyền cho những người có hiểu biết, thường xuyên tiếp cận với các phương tiện truyền thông thì dễ dàng; còn đối tượng người dân ở các vùng sâu, vùng xa hoặc chính những đối tượng hay vi phạm pháp luật thì họ lại không có cơ hội, không muốn hoặc khó tiếp cận các phương pháp tuyên truyền. Đây là yếu điểm cần được khắc phục và rất cần các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí, các đơn vị liên quan có giải pháp cụ thể để tuyên truyền cho những đối tượng này.
Bên cạnh đó, cử tri Hùng cũng đồng tình cao việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó, đáng lưu ý là quyết định bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn kể từ 1/7/2020, đồng nghĩa với việc không còn “viên chức suốt đời”, trừ những người làm việc ở vùng có điều kiện khó khăn.
Một trong những nội dung luôn được các cử tri quan tâm theo dõi tại các kỳ họp Quốc hội là phần chất vấn của các đại biểu và trả lời của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Theo nhiều cử tri, cách đặt câu hỏi của các đại biểu tại kỳ họp lần này gọn, trúng và “sắc”, đi vào những vấn đề trọng tâm đối với từng ngành, từng lĩnh vực; các bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời thẳng thắn nội dung chất vấn, bao quát, nắm rõ được lĩnh vực mà mình “chèo lái”.
Cử tri Nguyễn Hồng Lĩnh (Hải Phòng) nhận xét: Trong 3 ngày, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Các phiên chất vấn tại kỳ này không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ ngành. Trên tinh thần trả lời thẳng thắn, các bộ trưởng đã khu biệt được tương đối trách nhiệm người đứng đầu thuộc lĩnh vực mình quản lý. Phần trả lời của các bộ trưởng, rất thẳng thắn và cầu thị. Tuy nhiên, lần đầu tiên trước Quốc hội đã có nhiều “khuyết điểm” được các bộ trưởng nhận về những hạn chế liên quan đến việc bộ mình chưa làm được. Điều đó cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại cần các bộ trưởng phải giải quyết trong thời gian tới. Phiên chất vấn cũng với không khí trao đổi trực tiếp và tranh luận giữa các đại biểu đã góp phần làm rõ những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, được đông đảo cử tri quan tâm.
“Tôi nhận thấy những vấn đề đại biểu nêu ra tại hội trường đều là những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm. Qua đó, đại biểu đã thực hiện đúng quyền và trách nhiệm đại diện cho nhân dân ở Hội trường Diên Hồng. Người dân và cử tri cảm giác như chính mình đang được chất vấn các Bộ trưởng tại Hội trường Diên Hồng", cử tri Nguyễn Hồng Lĩnh cho hay.
Cử tri Đỗ Thanh Nga (Bình Dương) cho rằng, Kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện qua việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nghị quyết định hướng mục tiêu đến năm 2030 là thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.
Cử tri Đỗ Thanh Nga (Bình Dương). Ảnh: TL |
Cử tri Đỗ Thanh Nga khẳng định: “Có thể xem đây là lần đầu tiên Quốc hội có một Nghị quyết lớn thể hiện trách nhiệm và tình cảm đối với đồng bào dân tộc miền núi. Đây cũng là dịp chúng ta tiếp tục tri ân và thể hiện trách nhiệm của mình đối với vùng còn khó khăn để giúp cho vùng này phát triển cùng đất nước và đảm bảo sự phát triển bình đẳng giữa các dân tộc. Tôi cho rằng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết này là những điểm mang tính nguyên tắc cơ bản trong hệ thống chính sách của đồng bào dân tộc và những mục tiêu cần giải quyết”.
Còn theo đánh giá của cử tri Trần Quang Kỳ (Kon Tum), kỳ họp Quốc hội lần này đã có rất nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, từ những công việc có tính chất chức năng của Quốc hội với sự hỗ trợ từ giới truyền thông đã tạo ra được hiệu ứng xã hội ngày càng cao, người dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, theo cử tri Trần Hồng Kỳ, kết quả của kỳ họp vẫn chưa hoàn toàn theo kịp mong muốn của cử tri, nhất là những lĩnh vực gắn với đời sống của người dân như vấn đề giáo dục, giao thông, an toàn thực phẩm...
Có thể nói, với những gì diễn ra ở kỳ họp thứ 8, cử tri và nhân dân cả nước đã thấy rằng, Quốc hội không chỉ hoàn thành nhiệm vụ lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà còn làm tốt vai trò giám sát của mình. Nhưng điều cốt lõi nhất và cao hơn cả mà cử tri quan tâm đó là những lời hứa và cách làm của Chính phủ, cũng như các thành viên Chính phủ trong việc cam kết thực thi hiệu quả các biện pháp đã đề ra, nhằm đưa đất nước phát triển ổn định./.