COP26: Cần hành động tổng hợp bảo vệ nguồn nước
(ĐCSVN) – Các nhà lãnh đạo của liên minh Nước và Khí hậu, có mặt tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), ở Glasgow, đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp và thống nhất về hành động tổng hợp vì nước và khí hậu, nhằm thay thế cách tiếp cận phân tán hiện nay đối với cuộc khủng hoảng.
Biến đổi khí hậu làm gia tăng các rủi ro liên quan đến nước, gây ảnh hưởng nặng nề tới canh tác nông nghiệp. (Ảnh minh họa: Khánh Linh) |
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước và các rủi ro liên quan đến nước, vì nhiệt độ tăng làm gián đoạn chế độ mưa và toàn bộ chu trình nước. Hiện có 3,6 tỷ người không được tiếp cận với nước trong ít nhất một tháng mỗi năm và con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 5 tỷ vào năm 2050.
Chỉ 0,5% lượng nước trên trái đất là có thể sử dụng được và có sẵn dưới dạng nước ngọt. Nhưng trong hơn 20 năm qua, việc lưu trữ nước trên cạn - tất cả nước trên bề mặt và trong lòng đất, bao gồm độ ẩm của đất, tuyết và băng - đã giảm 1cm mỗi năm. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với an ninh nguồn nước trong tương lai, do dân số ngày càng tăng và môi trường ngày càng suy thoái.
Tại một sự kiện cấp cao ở Glasgow hôm 2/11, các nhà lãnh đạo của Liên minh Nước và Khí hậu đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc quản lý nước và khí hậu, dựa trên việc tăng cường chia sẻ dữ liệu và thông tin. Nếu không, sẽ ngày càng khó để trả lời các câu hỏi khi nào, ở đâu và bao nhiêu nước với chất lượng như thế nào có thể được cung cấp ngày nay và trong tương lai cho con người và một hệ sinh thái hành tinh khỏe mạnh.
Ông János Áder, Tổng thống Hungary, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sông Danube và các con sông khác, cho biết: “Nếu không có dữ liệu tốt, các chính sách về khí hậu và nước chỉ là những lời nói suông. Hành động hiệu quả đòi hỏi kiến thức, kiến thức đòi hỏi thông tin, thông tin đòi hỏi dữ liệu”.
Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon cũng cho hay: “Các sông băng của chúng tôi đang tan chảy nhanh chóng và cho đến nay, hơn 1.000 trong số 14.000 sông băng của Tajikistan đã tan chảy hoàn toàn”. Ông giải thích: “Trong những thập kỷ qua, tổng lượng sông băng của nước tôi, chiếm hơn 60% nguồn nước của khu vực Trung Á, đã bị thu hẹp gần một phần ba”. Đối với các vùng núi cao như Trung Á, Himalayas và Andes, các sông băng tan chảy làm tăng nguy cơ xảy ra các hiểm họa liên quan đến nước như lở đất và lở tuyết. Về lâu dài, điều này có nghĩa là một cuộc khủng hoảng về an ninh nguồn nước cho vài triệu người và các hệ sinh thái rộng lớn. Trước những hậu quả nghiêm trọng này, Tajikistan đã đề xuất công bố năm 2025 là Năm Quốc tế Bảo tồn Sông băng và tạo ra một quỹ liên kết.
Thế giới đang đi sau trong việc đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững
Ông Barbara Visser, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước của Hà Lan, nhận định nước là điều cần thiết để đạt được thay đổi thực sự và đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030; đồng thời kêu gọi hành động trong các lĩnh vực quản trị, tài chính, dữ liệu và thông tin, nâng cao năng lực và đổi mới để lật ngược tình thế và đảm bảo một tương lai bền vững, không bỏ sót bất kỳ ai.
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Petteri Taalas giải thích: Nhiệt độ tăng đang dẫn đến những thay đổi về lượng mưa trên quy mô toàn cầu và khu vực, dẫn đến thay đổi về lượng mưa và mùa nông nghiệp, với tác động lớn đến an ninh lương thực, sức khỏe và hạnh phúc của người dân. “Năm ngoái, các sự kiện cực đoan liên quan đến nước liên tục xảy ra, cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người, khiến hàng ngàn và hàng triệu nạn nhân phải di cư” – ông nói thêm. Trong bối cảnh đó, một trong những ưu tiên chính của WMO là theo dõi và dự báo những thay đổi về thời tiết, khí hậu và nước thông qua trao đổi thông tin và dịch vụ, nghiên cứu và đào tạo, thông qua hợp tác giữa các Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Bà Mari Pangestu, Giám đốc Điều hành Chính sách Phát triển và Đối tác tại Ngân hàng Thế giới, đánh giá “trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nước là yếu tố kết nối quan trọng”. Do đó, hành động tập thể toàn cầu đặc biệt và khẩn cấp phải được thực hiện để giải quyết tác động tổng hợp của các cuộc khủng hoảng vốn đã ảnh hưởng đến những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất. Nhấn mạnh Ngân hàng Thế giới tập trung hơn bao giờ hết vào kết quả, bà Mari Pangestu kêu gọi việc quản lý nước phải được chuyển đổi như một phần của các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được sự phát triển xanh, bền vững và bao trùm.
Thanh niên và khu vực tư nhân phải đóng vai trò chủ đạo
“Gần 40% dân số thế giới được coi là trẻ. Trong bất kỳ hội nghị nào, đối thoại hoặc quyết định chính trị nào liên quan đến tài sản quý giá nhất của chúng ta, tiếng nói của giới trẻ là rất quan trọng” – bà Lindsey Blodgétt, thuộc Nghị viện Thanh niên Thế giới về Nước, nhấn mạnh điều quan trọng là đảm bảo rằng sự đóng góp và tiếng nói của những người trẻ được tính đến.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề công và bền vững của Bayer Matthias Berninger liệt kê 3 lĩnh vực cần hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu. “Đầu tiên, chúng ta cần sự tham gia của khu vực tư nhân. Thứ hai, chúng ta cần hành động chính trị toàn diện. Thứ ba, và quan trọng nhất, chúng ta cần hợp tác quy mô lớn. Chúng ta có trách nhiệm chung là làm cho nó hoạt động” – ông nói và nhấn mạnh rằng “nếu chúng ta thất bại, đó không chỉ là thất bại đối với chúng ta mà còn đối với các thế hệ tương lai”.
Đẩy nhanh tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững
Liên minh Nước và Khí hậu là một sáng kiến gồm nhiều bên liên quan nhằm cung cấp các hành động, hoạt động và hỗ trợ chính sách hữu hình cho một chương trình nghị sự tổng hợp về nước và khí hậu, tập trung vào dữ liệu, thông tin, hệ thống giám sát và năng lực hoạt động.
Liên minh Nước và Khí hậu mở cửa cho nhiều thành viên từ các tổ chức khoa học, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức của Liên hợp quốc, các chính phủ và xã hội dân sự và những người trẻ để tạo động lực bằng cách thực hiện các hoạt động thủy văn cụ thể trên phạm vi quốc gia, khu vực và quy mô toàn cầu.
Liên minh đặt mục tiêu đưa ra một chương trình nghị sự tổng hợp về nước và khí hậu toàn cầu để hỗ trợ thích ứng và chống chịu hiệu quả hơn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững 6 (nước và vệ sinh) và 13 (khí hậu)./.