Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Công trình Thủy điện Lai Châu là biểu tượng của ngành Xây dựng Việt Nam

Thứ Sáu, 22/06/2018 16:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng tại Lễ gắn biển công trình chào mừng 60 năm truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam (29/4/1958-29/4/2018) cho Thủy điện Lai Châu (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), sáng 22/6.

Công trình Thủy điện Lai Châu được gắn biển chào mừng 60 năm truyền thống ngành Xây dựng.

Tham dự buổi lễ có ông Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây dựng,ông Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN.

Thủy điện Lai Châu là công trình xây dựng cấp đặc biệt được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII ngày 25/11/2009. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 2011, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2015 và hoàn thành công trình vào năm 2017, vượt tiến độ 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Nhiệm vụ chính của Thủy điện Lai Châu là cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình 4,7 tỷ kWh/năm; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ. Đồng thời, việc xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu đã kết hợp sắp xếp và xây dựng các khu dân cư, đặc biệt là các khu tái định cư theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới, xây dựng hệ thống cầu, đường giao thông đóng vai trò quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu và vùng Tây Bắc.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, trong hơn 6 năm xây dựng, công trình Thủy điện Lai Châu là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của các đơn vị trên công trường.

Thứ trưởng cũng cho biết, trong 2 năm qua, Nhà máy đã được vận hành an toàn, đóng góp sản lượng điện lớn cho đất nước và đóng góp ngân sách cho tỉnh Lai Châu gần 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, trong quá trình xây dựng, Dự án đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và nhất là sự đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của hơn 8.000 cán bộ công nhân viên trên công trường.

Hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư và các nhà thầu đã được xây dựng và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu với sự hỗ trợ của các tư vấn hàng đầu nước ngoài như Colenco (Thuỵ Sỹ), Viện nghiên cứu thiết kế thuỷ công Matxcova (Nga), Fichtner (Đức). Chất lượng công trình cũng đã được các đơn vị giám sát, kiểm định khẳng định, được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về công trình xây dựng đánh giá cao.

Năm 2015, công trình Thủy điện Lai Châu đã được Thủ tướng Chính phủ gắn biển Công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Năm 2016, Thủy điện Lai Châu tiếp tục được Bộ Xây dựng trao giải thưởng “Công trình chất lượng cao năm 2016”.

Ông Giàng A Tính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, với vai trò là chủ đầu tư phần di dân tái định cư, UBND tỉnh Lai Châu đã phối hợp tốt với EVN để vận động nhân dân nhường đất xây dựng Công trình. Đến nay, đời sống của đồng bào di dân tái định cư đã ổn định, bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Mỗi năm, Nhà máy Thủy điện Lai Châu đóng góp cho ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng và tạo nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng địa phương mạnh mẽ.

Đây là công trình ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành Điện, ngành lắp máy của Việt Nam; cũng là công trình thủy điện đa mục tiêu mang tầm vóc quốc gia đã được các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự chủ từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, đồng bộ thiết bị, giám sát, quản lý vận hành .

Công trình Thủy điện Lai Châu:

- Là công trình thủy điện lớn thứ 3 trên dòng chính sông Đà, bậc trên của Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình.

- Chủ đầu tư: EVN

- Tổng vốn đầu tư:35.700 tỷ đồng

- Hồ chứa có tổng dung tích 1,216 tỷ m3

- Tổng công suất lắp máy 1.200 MW

- Điện lượng trung bình 4,67 tỷ kWh

- Mực nước dâng bình thường: 295 m.


theo evn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN