Công tác Khuyến học nhân lên các giá trị tốt đẹp
(ĐCSVN)- Cần tiếp tục phát huy vai trò công tác khuyến học như là cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc với định hướng phát triển nguồn nhân lực, con người và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chiều 27/9, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Kỷ niệm “Ngày Khuyến học Việt Nam” và phát động “Giải thưởng Nhân tài Đất Việt” năm 2023. Tới dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo, động viên.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những cống hiến, đóng góp của toàn thể Hội viên Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: VA |
Tại buổi Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những cống hiến, đóng góp của toàn thể Hội viên Hội Khuyến học Việt Nam; đồng thời mong muốn toàn thể Hội viên luôn giữ vững nhiệt huyết và ngọn lửa khuyến học, khuyến tài, đem các giá trị này tiếp tục nhân lên rộng khắp trong cộng đồng, xã hội để góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia học tập, đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 gắn với mốc 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra.
Nhắc lại tinh thần hiếu học của cha ông, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ, trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám khắc ghi dòng chữ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Truyền thống giáo dục qua hàng ngàn năm lịch sử đã kết tinh nên những giá trị tốt đẹp, hiếu học, tôn sư trọng đạo, là nhân tố quan trọng kiến tạo nên trí tuệ, đạo đức, nền văn hoá Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển trường tồn và vinh quang của dân tộc… Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà giáo dục vĩ đại - Người khai sinh và đặt nền móng cho nền giáo dục của đất nước Việt Nam thời đại mới đã dành sự quan tâm to lớn đến công tác giáo dục, đến sự học của mỗi người dân cả nước. Người khẳng định: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Ngay khi nước nhà giành được độc lập, đầu tháng 10/1945, Người đã ra lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học, nêu rõ: "Tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ. Chính phủ đã lập ra một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của dân chúng". Trong định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội những năm tới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu”.
Thực hiện đường lối và định hướng phát triển giáo dục của Đảng, kết nối và phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống hiếu học của dân tộc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Hội Khuyến học Việt Nam trong những năm qua đã xác lập triển khai nhiều chương trình, hoạt động phong phú, làm lan tỏa, tôn vinh và nhân lên các giá trị tốt đẹp bắt nguồn từ truyền thống hiếu học, thông qua những phong trào, chương trình hoạt động mang ý nghĩa và giá trị khuyến học thiết thực của Hội như: “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị”, “Tiếp sức cho em đến trường”, “Vì em hiếu học”, “Chắp cánh ước mơ”, “Mái ấm khuyến học”, “Trao gửi yêu thương”; các mô hình “Nuôi heo đất khuyến học”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Tiếng trống, tiếng kẻng khuyến học”, “Giờ vàng khuyến học”… đã bắt nguồn và khơi dậy được tinh thần hiếu học trong mỗi người dân, được đông đảo nhân dân đồng tình đón nhận, ủng hộ, chia sẻ và làm theo.
Từ sự nỗ lực không ngừng của các cấp hội; sự mẫn cán, tâm huyết của từng hội viên, phong trào khuyến học, khuyến tài đã từng bước ăn sâu, bắt rễ vào mỗi gia đình, thôn bản, làng xã, cộng đồng dân cư tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo và đưa phong trào xã hội học tập phát triển rộng và mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Đặc biệt hai năm vừa qua, trong đại dịch COVID-19, các cấp hội đã thực hiện có hiệu quả chương trình “Máy tính cho em” và hỗ trợ các em mất cha mẹ do đại dịch COVID-19 để duy trì cuộc sống và tiếp tục được đến trường.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan chủ trì buổi gặp mặt nhân Kỷ niệm "Ngày Khuyến học Việt Nam". Ảnh: VA |
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh rõ hơn mục tiêu của “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” trong giai đoạn mới là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đề cập trực tiếp việc “phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa thực trạng công tác giáo dục, phát triển nguồn lực con người gắn với mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước những năm tới đây đang đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi mới đối với công tác khuyến học. Do vậy, cần bám sát, làm theo, thực hiện tốt những bài học từ tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò sức mạnh của Nhân dân, về tầm quan trọng của công tác giáo dục và sự nghiệp trồng người, công tác khuyến học trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy sức mạnh Nhân dân, được triển khai đồng bộ, trở thành ý thức, giá trị hướng đến và có sự tham gia của mỗi người dân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Cần tiếp tục phát huy vai trò công tác khuyến học như là cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc với định hướng phát triển nguồn nhân lực, con người và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng lưu ý, công tác khuyến học bên cạnh việc chú trọng làm lan tỏa theo chiều rộng, cần gắn với nâng cao chất lượng theo chiều sâu, triển khai có hiệu quả hơn nữa các phong trào xây dựng xã hội học tập, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, mở rộng tăng cường số lượng thành viên tham gia để làm lan tỏa, truyền tải, hình thành nhận thức đúng, cách hiểu đúng về việc học trong thời đại mới, học suốt đời, học đi đôi với hành, học gắn với phát triển hoàn thiện năng lực phẩm chất của mỗi cá nhân, học gắn đáp ứng những đòi hỏi của bối cảnh, tình hình đổi mới xây dựng đất nước, đặc biệt là nhu cầu về nguồn nhân lực cao đang đặt ra bức thiết gắn với mục tiêu phát triển đất nước từ nay đến những năm 2030 và 2045.
Công tác khuyến học cũng cần được triển khai song hành gắn liền với công tác khuyến tài, tạo điều kiện cho phát triển nhân tài Việt, để việc khuyến học có đóng góp quan trọng cho đổi mới, sáng tạo và là động lực cho quá trình đổi mới giáo dục, xây dựng đất nước. Với ý nghĩa như vậy, công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh mẫu công dân mới, các giá trị học tập mới cũng cần được quan tâm đầu tư; trọng học, hiếu học, học đi đôi với hành, học tập suốt đời… phải trở thành những giá trị căn cốt, cơ bản của hệ giá trị con người Việt Nam. Chúng ta cũng cần dành nhiều hơn các điều kiện, các nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài, quan tâm chia sẻ để các hoạt động khuyến học nói chung, hoạt động của Hội Khuyến học nói riêng được triển khai ngày càng rộng khắp, lan tỏa.
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang và mỗi người dân quán triệt và thực hiện thường xuyên hơn, tốt hơn nữa Kết luận 49 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Quyết định 1373 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo và xây dựng xã hội học tập.
Cùng với hành động kỷ niệm Ngày khuyến học Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan tiếp tục phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt với chủ đề “Tôn vinh tài năng – Khơi nguồn sáng tạo”. Trải qua 16 kỳ Giải thưởng đã có tác động to lớn đến phát hiện, tôn vinh tài năng, nhiều sản phẩm, công trình có giá trị đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương và cả nước.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu kỷ niệm "Ngày Khuyến học Việt Nam". Ảnh: VA |
Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan chia sẻ: Cách đây trên một phần tư thế kỷ, khi toàn Đảng, toàn dân tập trung đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Cương lĩnh chính trị 1991, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định thành lập một tổ chức xã hội có chức năng hỗ trợ công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục trên tinh thần phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, giáo dục có sứ mệnh phát huy năng lực sáng tạo của con người Việt Nam trên cơ sở giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, lấy tự học, tự giáo dục, tự rèn luyện làm cốt.
Từ ý tưởng chiến lược trên đây, ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 122/TTg về thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và đến ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam đã chính thức ra mắt nhân dân, được đông đảo cán bộ và quần chúng trong khắp các vùng đất nước hoan nghênh và chào đón.
Chủ tịch Hội Khuyến học Nguyễn Thị Doan khẳng định, dấu ấn 2/10 ngày càng đậm nét theo thời gian bởi những thành công trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đang làm gia tăng các giá trị của nó. Nói cụ thể hơn, trong nửa thế kỷ qua, cộng đồng khuyến học cùng các lực lượng xã hội đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta. Đánh giá một cách khái quát, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã thu được những nét nổi bật đáng trân trọng.
Hội Khuyến học Việt Nam hiện có trên 22 triệu hội viên. Mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài được triển khai trên 100% các địa bàn dân cư và đang trở thành một phong trào quần chúng mang tính tự giác cao. Trong phong trào nhân dân làm khuyến học, Hội Khuyến học Việt Nam đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, kết nối mọi lực lượng xã hội để cùng nhau gánh vác sứ mệnh thúc đẩy sự học của người lớn và hỗ trợ giáo dục trong, ngoài nhà trường, lấy khuyến học, khuyến tài làm phương tiện thực hiện mục tiêu chiến lược đưa đất nước trở thành một xã hội học tập.
Khuyến tài là một hoạt động được Hội Khuyến học Việt Nam đang phát triển trên quy mô lớn. Hai hướng triển khai chính là Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và các phần thưởng cho học sinh, sinh viên và người lớn có thành tích học tập xuất sắc. Song hành với những hoạt động khuyến tài là Quỹ Khuyến học đã phát triển mạnh trong những năm qua dưới các hình thức huy động, sáng tạo của các cấp Hội. Đã có hàng triệu hoc sinh, sinh viên và người lớn được nhận học bổng và phần thưởng của các cấp Hội. Hiện nay học bổng theo lời dạy của Bác: “Học không bao giờ cùng” được phát vào dịp 19/5 đã được các cấp Hội trong cả nước thực hiện, tạo dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân.
Chủ tịch Hội Khuyến học cho biết, hiện nay Hội đã trở thành một tổ chức với quy mô lớn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội sẽ tập trung triển khai mô hình “Công dân học tập” theo Quyết định 677 và tiếp tục thực hiện 4 mô hình học tập theo Quyết định 387 của Thủ tướng Chính phủ. Xét về chiến lược xây dựng và phát triển xã hội học tập theo Quyết định 1373/QĐ-TTg, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình “Công dân học tập” có thể coi như một khâu đột phá trong toàn bộ kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.
Phát triển tốt mô hình công dân học tập, chúng ta sẽ nâng cao chất lượng của các mô hình học tập hiện đang được vận hành. Thực hiện tốt mô hình này sẽ đóng góp cho đất nước những công dân học tập suốt đời, từ đó những công dân số sẽ là lực lượng nòng cốt xây dựng đất nước trong cuộc cách mạng 4.0.
Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: VA |
Cũng tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thị Doan đã phát động “Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023” do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam tổ chức, với chủ đề “Tôn vinh tài năng – khơi nguồn sáng tạo”.
Năm 2023, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt tiếp tục chặng đường phát hiện, hỗ trợ và tôn vinh nhân tài trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, môi trường, Y, dược, giáo dục đào tạo và “Khuyến tài trong lĩnh vực nông nghiệp: Tự học thành tài” với mong muốn thu hút nhiều tài năng, sản phẩm, các giải pháp Công nghệ số và tham gia vào quá trình chuyển số quốc gia của Chính phủ, đóng góp trí tuệ, sức sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong Cách mạng 4.0./.