Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Công khai, minh bạch là một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của kiểm toán

Thứ Ba, 12/09/2023 12:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ủng hộ phương châm “làm ít nhưng chất”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm và nhấn mạnh công khai, minh bạch là một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của kiểm toán.

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Làm rõ trách nhiệm việc thực hiện kiến nghị kiểm toán

Nêu quan điểm tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao công tác tổ chức điều hành của KTNN có nhiều đổi mới theo hướng coi trọng chất lượng, giảm số lượng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, “1 đơn vị, 1 doanh nghiệp, 1 địa phương một lúc mấy đoàn vào thanh tra, kiểm tra cũng phiền hà. Giảm số lượng, nâng cao chất lượng cũng là giảm phiền hà cho đối tượng kiểm toán”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, KTNN đã đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, KTNN cũng tham gia rất tích cực vào các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, các chuyên đề giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như tham gia tích cực vào giám sát tối cao về huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19; chính sách pháp luật y tế cơ sở, y tế dự phòng… KTNN đã cung cấp rất nhiều số liệu, tin cậy cho Đoàn giám sát.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng) 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị KTNN tiếp tục phát huy, trực tiếp đóng góp cho công tác giám sát của Quốc hội. Thông qua đó, ngày càng khẳng định được vai trò của mình là một cơ quan kiểm toán về sử dụng tài sản, tài chính nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả theo đúng chính sách pháp luật.

Nêu thực tế kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực, song theo Phó Chủ tịch Quốc hội tỷ lệ thực hiện kiến nghị nhiều việc còn chưa cao. Đồng thời đề nghị với kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 48.227/71.605 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67,4% thì phải làm rõ chi tiết là đơn vị nào, địa phương nào, bộ, ngành nào thực hiện? Đối với kết quả việc sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản mới đạt 19/270 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp thì cần làm rõ tại sao kết quả lại thấp, đơn vị nào không làm?

“Việc này cần phải làm rõ hơn để tạo kỷ luật, kỷ cương” - Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Để thực hiện hoạt động của KTNN trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu KTNN tiếp tục phát huy sự phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan trong công tác điều hành; phối hợp với Ủy ban Tài chính- Ngân sách thực hiện phiên giải trình thực hiện các kết luận kiểm toán để đưa ra những kiến nghị. Phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tham gia tích cực vào các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội; đồng thời tăng cường kiểm toán từ xa. Ngoài ra, KTNN có thể báo cáo thêm với Quốc hội về những tồn tại, hạn chế, bất cập; thực hiện hiệu quả các văn bản dưới luật để qua đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị...

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, theo quy định của Luật Kiểm toán thì kết luận và kiến nghị của Kiểm toán là có giá trị bắt buộc thi hành. Vì vậy, việc không thực hiện các kiến nghị kiểm toán là không thực hiện luật và cần phải làm rõ trách nhiệm.

“Chúng tôi đề nghị Kiểm toán nhà nước cung cấp đầy đủ những kiến nghị liên quan đến hệ thống pháp luật để Chính phủ tổng hợp vào và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay” - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị.

Với kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị KTNN tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kiến nghị kiểm toán để kịp thời thu hồi, xử lý các vi phạm được phát hiện qua kết quả kiểm toán; làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân các bộ, ngành, địa phương chậm hoặc không có khả năng thực hiện các kiến nghị của KTNN để sớm có giải pháp khắc phục. 

Lựa chọn kiểm toán trọng điểm, chuyên đề để công khai

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá KTNN có nhiều đổi mới tích cực. Thời gian tới, KTNN cần tiếp tục bám sát mục tiêu tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, phương châm “thà làm ít mà tốt”, do đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mỗi năm kết quả thanh tra, kiểm toán phát hiện và xử lý nhiều sai phạm cho thấy, công tác này được thực hiện đến nơi đến chốn, song cũng lo vì sao công cụ này hoạt động thường xuyên liên tục như thế mà sai phạm không giảm. "Qua quyết toán hàng năm các đồng chí thấy rất nhiều vấn đề liên quan đến dự toán, quyết toán ngân sách. Nói hết năm nọ đến năm kia, hết kỳ họp này đến kỳ họp khác vẫn cứ tiếp diễn. Phải trả lời được việc này" - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Ủng hộ phương châm “làm ít nhưng chất”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan toả, cùng với đó đề cao tính công khai, minh bạch, khách quan, trung thực. Công khai, minh bạch là một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, KTNN phải tổ chức họp báo theo quy định. Riêng kiểm toán năm là phải họp báo công khai. Lựa chọn kiểm toán trọng điểm, chuyên đề để công khai. Một mặt cho thấy sức mạnh của kiểm toán, mặt khác để công luận giám sát cơ quan đã làm đúng chưa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý kiểm toán tư vấn phải sâu sắc hơn, phản biện phải sắc bén hơn, xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong ban hành văn bản. Năm nay tập trung đánh giá tác động của các văn bản ban hành sai để đề xuất xử lý nghiêm sai phạm vì thực tế ban hành ra rất nhiều “giấy phép con”, văn bản không đúng pháp luật.

Làm rõ hơn về những ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với kiểm toán để tránh chồng chéo bởi “cơ sở cũng than phiền vì tiếp nhiều đoàn”. Cạnh đó, chỉ đạo tăng cường kết nối theo hướng chuyển đổi số, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia giúp kiểm toán thuận lợi hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đề nghị quan tâm lựa chọn đối tượng kiểm toán có ảnh hưởng lớn, nguy cơ sai phạm cao. Chia sẻ với khó khăn của kiểm toán, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, đâu đó vẫn còn quy định chưa phù hợp nên có kiến nghị đúng luật nhưng khó khả thi khi thực hiện. Kiểm toán cũng là ngành nghề rất nhạy cảm nên cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, triển khai kế hoạch phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách thực chất./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN