Cộng đồng dân tộc tỉnh Hòa Bình thực hiện 3 nhiệm vụ lớn giai đoạn 2024 – 2029
(ĐCSVN) - Trong 2 ngày 14 và 15/11/2024, tại Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ IV năm 2024.
Các đồng chí lãnh đạo dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần IV chụp ảnh lưu niệm. |
Tới dự và chúc mừng có đồng chí Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại biểu các tỉnh bạn và 250 đại biểu đại diện cho hơn 66 vạn đồng bào các DTTS trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ giúp đỡ tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời, với truyền thống cách mạng và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của chính bản thân đồng bào các dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào cơ bản ổn định và từng bước được nâng cao, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng theo Đảng. Những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Từ trong các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện ngày càng nhiều các điển hình tiên tiến là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất kinh doanh, bảo vệ an ninh, Tổ quốc.
Cùng với 3 kỳ tổ chức Đại hội trước, Đại hội lần này tiếp tục là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân trong vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà. Từ Đại hội cấp huyện và công tác chọn cử đại biểu của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội của tỉnh đã chọn cử các đại biểu tiêu biểu về dự Đại hội cấp tỉnh. Kết tinh thành vườn hoa đẹp với đa sắc màu dân tộc, những gương sáng tiêu biểu, có mặt tại Đại hội ngày hôm nay.
Đồng chí Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho các tập thể, cá nhân của tỉnh Hòa Bình. |
Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ IV, năm 2024 nhằm tổng kết đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2024. Khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, trong công cuộc đổi mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đại hội cũng là dịp để tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí hành động, củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tôn vinh, biểu dương và khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn 2019-2024, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025-2030 và các sự kiện chính trị, lịch sử của đất nước, của tỉnh. Đồng thời, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện thắng lợi công tác dân tộc trong giai đoạn 2024- 2029.
Báo cáo chính trị tại Đại hội do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày khẳng định lại những thành tựu kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Hoà Bình lần thứ III, năm 2019. Trong đó nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2019-2024 ước đạt 5,79% (bao gồm kế hoạch năm 2024); GRDP bình quân đầu người đến hết năm 2024 ước đạt 77,59 triệu đồng (tăng 18,69 triệu đồng/người/năm so với năm 2019). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ và giảm dần tỷ trọng các ngành kinh tế khác. Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,49% năm 2021 xuống còn 12,29% vào năm 2022 và giảm xuống còn 9,20% vào năm 2023, giảm bình quân mỗi năm là 3,14%. Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi từ 16,52% năm 2021 xuống còn 13,11% vào năm 2022 và giảm xuống còn 9,80% vào năm 2023, giảm bình quân mỗi năm là 3,36%; tỷ lệ giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn từ 34,08% năm 2021 xuống còn 27,69% vào năm 2022 và giảm xuống còn 21,27% vào năm 2023, giảm bình quân mỗi năm là 6,40% (vượt mục tiêu Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Hoà Bình lần thứ III, năm 2019 đã đề ra).
Thừa ủy quyền, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2023. |
Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Hoà Bình lần thứ III, năm 2019. Mặc dù trong điều kiện đời sống, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song, với sự quyết tâm nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Hoà Bình đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng củng cố hệ thống chính trị theo tinh thần Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Hoà Bình lần thứ III, năm 2019 đã đề ra. Đạt 5/7 chỉ tiêu của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Hoà Bình lần thứ III, năm 2019 đã đề ra.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc biểu dương những thành tích của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đạt được trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị tỉnh Hòa Bình thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc; Thực hiện tốt các chính sách dân tộc để từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa các khu vực, có cơ chế chính sách và đầu tư phát triển hiệu quả; Tiếp tục tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS vững mạnh, gắn với nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở và không ngừng quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; Chú trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường...
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định lại những thành quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian qua, đồng thời nhìn nhận lại một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại như: Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn cao và chênh lệch với khu vực khác; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số ở nông thôn, miền núi còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một. Kết cấu hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng, song chưa đồng bộ, một số nơi đã xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội… Đồng chí đề nghị thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng bào các dân tộc trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đột phá chiến lược về công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 tại Nghị quyết số 10/NQ-CP, ngày 28/01/2022 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. làm tốt công tác nắm tình hình và chủ động kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến an ninh trật tự, nhất là việc phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, kiên quyết không để hình thành các “điểm nóng” về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và các tầng lớp Nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, nhất là Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh tiếp tục đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; xây dựng quê hương, bản, làng văn hóa; đồng thời cùng nhau quan tâm đến 3 việc cùng: cùng nhau tạo điều kiện để cho con em mình được đến trường, được học hành tới nơi, tới chốn. Chỉ có giáo dục mới là con đường duy nhất giúp chúng ta thoát nghèo, thoát khổ, vươn lên làm giàu chính đáng; cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình về tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, dân nhạc, phong tục, tập quán và trao truyền cho các thế hệ con cháu; cùng nhau giữ gìn, bảo vệ rừng. Tỉnh Hòa Bình chúng ta có trên 290 nghìn ha rừng, tỷ lệ che phủ trên 51,6%. Đây vừa là sinh kế của đồng bào vừa là nơi bảo vệ an toàn cho Nhân dân ta khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2023; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân, tặng Kỷ niệm chương cho 3 cá nhân của tỉnh Hòa Bình. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 13 tập thể, 30 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc thời gian qua.
Đại hội đã thông qua Quyết tâm thư, đồng bào các dân tộc đoàn kết, quyết tâm cao, tin tưởng cùng hệ thống chính trị của tỉnh phấn đấu giai đoạn 2024-2029 đạt được các mục tiêu chủ yếu sau:
Một là, thu nhập bình quân của người DTTS vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.
Hai là, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân theo chuẩn nghèo giai đoạn 2026-2030 mỗi năm giảm 2,5%-3% (riêng năm 2025, là năm cuối giai đoạn 2021-2025, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,4% so với năm 2024); đối với các xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm từ 4-4,5%.
Ba là, cơ bản không còn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Bốn là, xoá tình trạng nhà ở đơn sơ, nhà thiếu kiên cố; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Năm là, trên 90% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hoá; trên 90% số xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ sơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Sáu là, giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong vùng DTTS và miền núi; quy hoạch sắp xếp, di dời, phấn đấu bố trí 100% các hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở có nơi ở ổn định, an toàn./.