Cổng Dịch vụ công Quốc gia: “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”
Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo thông tin diễn ra sáng 7/12, tại Hà Nội, chuẩn bị cho Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia vào ngày 9/12/2019.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN (ngoài cùng bên trái) tham dự buổi họp báo |
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn tham dự buổi họp báo này.
Tiết kiệm 4.222 tỷ đồng/năm
Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng Dịch vụ công Quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.
Chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html), bằng một tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Theo tính toán chi phí xã hội thực hiện 08 nhóm dịch vụ công (giả định với số lượng giao dịch như năm 2018), việc chuyển đổi từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm;
Trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia khoảng 1.736 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các dịch vụ công được lựa chọn tích hợp lên cổng là những dịch vụ có số lượng hồ sơ phát sinh lớn, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Các dịch vụ công đã được tái cấu trúc, cải tiến quy trình và nâng cấp, tăng tính năng hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận tiện hơn so với thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đánh giá cao sự quyết liệt, tiên phong của EVN và các đơn vị: Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam... trong việc tích cực, phối hợp đưa dịch vụ công lên Cổng. “Các đơn vị đã thể hiện được sự cải cách từ chính bộ máy hoạt động, cải cách tư duy của CBCNV. Đây là những bước tiến vượt bậc, rất đáng được ghi nhận”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
3 dịch vụ điện sẽ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn luôn lấy tiêu chí 3 dễ “dễ tiếp cận - dễ tham gia - dễ giám sát”” để triển khai các dịch vụ điện lực. Từ năm 2013 đến nay, EVN đã liên tục cải cách các thủ tục, ứng dụng CNTT, tăng cường đào nguồn nhân lực để triển khai các dịch vụ điện theo tiêu chí của Chính phủ điện tử.
Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, hàng năm EVN đều nỗ lực nâng cấp mức độ dịch vụ điện trực tuyến lên mức cao hơn: từ mức độ 1 và 2 trong năm 2015 lên mức độ 3 trong tháng 12/2017 và ngày 21/12/2018 EVN đã chính thức công bố cung cấp “Dịch vụ điện trực tuyến” mức độ 4. Qua đó, tạo được sự thuận lợi, minh bạch và tiện ích đến khách hàng. EVN cũng hoàn thành kết nối cung cấp dịch vụ điện tại Trung tâm Hành chính công và các cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến tại 63/63 tỉnh/thành phố.
Trong thời gian qua, EVN đã tích cực, chủ động phối hợp cùng với Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hoàn thành triển khai tích hợp để cung cấp 3 dịch vụ điện qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia đoạn 1 gồm: Cấp điện mới từ lưới điện trung áp; Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; Thanh toán tiền điện.
Trong Quý I/2020, Tập đoàn sẽ tiếp tục đưa 8 dịch vụ điện lực lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
“Việc đưa các dịch vụ điện lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp EVN có thêm một kênh để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ điện thuận tiện hơn. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp có thể giám sát được quá trình giải quyết, phản hồi các yêu cầu gửi đến EVN”, ông Võ Quang Lâm cho biết thêm.
Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp các dịch vụ công: * Các dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: + Đổi giấy phép lái xe, + Thông báo hoạt động khuyến mại, + Cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; + Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), + Cấp điện mới từ lưới điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) + Thanh toán tiền điện. * 04 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ: + Cấp Giấy phép lái xe quốc tế, + Đăng ký khuyến mãi, + Nhóm dịch vụ về Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, + Nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. * Ngoài ra, đối với 04 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công: + TP Hồ Chí Minh: Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế; + Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng: Đăng ký khai sinh. |