Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Công bộc” của dân

Thứ Sáu, 27/05/2022 11:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chính xác nhất đối với hoạt động hành chính công vụ. Tuy nhiên, từ lâu nay, chúng ta nghe và thấy sự mệt nhọc của nhiều người mỗi khi phải đến cửa công. Và điều này đang dần thay đổi khi chỉ số cải cách hành chính của các bộ, tỉnh, thành phố và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính được công bố những năm gần đây ngày càng thay đổi tốt hơn.

Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chính xác nhất đối với hoạt động hành chính công vụ. (Ảnh minh họa: TH) 

Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDER) của các bộ, tỉnh, thành phố và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 vừa được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố. Theo đó, kết quả PAR INDEX 2021 các bộ, cơ quan ngang bộ được phân loại gồm 3 nhóm điểm hơn 90%, bao gồm 3 đơn vị: Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ hơn 80% đến dưới 90%, bao gồm 13 bộ: Nội vụ; Ngoại giao; Tài nguyên và Môi trường; Lao động-Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Giáo dục và Đào tạo. Dưới 80% là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Giá trị trung bình PAR INDEX 2021 của 17 bộ, cơ quan ngang bộ là 86,07%, giảm 1,49% so năm 2020 (đạt 87,56%). Tuy nhiên, xét trong 10 năm đánh giá thì kết quả PAR INDEX 2021 tiếp tục duy trì xu hướng tăng, giá trị trung bình năm 2021 đã tăng cao hơn 10,69% so năm 2012.

Về kết quả PAR INDEX 2021, thành phố Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân với kết quả đạt 91,80%, cao hơn 0,66% so đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (đạt 91,14%). Thành phố Đà Nẵng đã có sự trở lại ấn tượng trong tốp 5 địa phương dẫn đầu sau 2 năm vắng bóng ở nhóm này, năm 2021 đạt 90,25% xếp vị trí thứ 3/63; trong khi đó, Vĩnh Phúc cũng có lần đầu tiên lọt nhóm 5 địa phương dẫn đầu, với kết quả năm 2021 đạt 89,28%, xếp vị trí thứ 5/63…

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì được thành tích cao trên bảng xếp hạng, với kết quả đạt 89,32%, xếp vị trí thứ 4 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Đứng cuối bảng xếp hạng PAR INDEX 2021 là tỉnh Kiên Giang, đạt 79,97% và là địa phương duy nhất có kết quả dưới 80%...

Có thể nói,  kết quả Chỉ số PAR INDER và SIPAS hằng năm đã trở thành công cụ quản lý quan trọng, giúp xác định rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, tỉnh. So với những năm trước, kết quả PAR INDEX 2021 của các tỉnh, thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực khi nhiều đơn vị đã nỗ lực bứt phá, hầu hết các chỉ số đều có giá trị tăng điểm.

Kết quả ấy không mấy ngạc nhiên khi nhiều tỉnh, thành và Bộ, ngành đã “dám nhìn thẳng sự thật”, quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm mang tính đột phá mạnh mẽ. Kết quả cải cách đó đã “truyền lửa” từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các địa phương “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.

Từ đó nhiều thủ tục được rút gọn, minh bạch hóa, hệ thống một cửa - một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến được triển khai… đã giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn trong thực hiện các thủ tục, giảm cả thời gian và chi phí.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Chỉ số này cũng cho thấy toàn diện thực trạng chất lượng cung ứng dịch vụ công đã cung cấp thông tin kịp thời, khách quan giúp Chính phủ, chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước có cơ sở để thực hiện các giải pháp cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức.

Măt khác, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức tạo ra những thay đổi trong tư duy, phong cách, văn hóa thực thi công vụ, cung ứng dịch vụ công theo hướng lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân, tổ chức. Chỉ số này còn thể hiện những nỗ lực của Chính phủ, chính quyền vì dân, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, gần gũi và lắng nghe người dân.

Ngoài ra, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi, trách nhiệm trong việc thực hiện giám sát, phản hồi ý kiến đối với cơ quan hành chính nhà nước về chính sách, dịch vụ công và là một kênh để người dân, tổ chức thực hiện quyền lợi, trách nhiệm đó.

Tuy vậy, những con số từ kết quả khảo sát cũng cho thấy có những điều rất cần suy ngẫm khi nhiều người dân, tổ chức vẫn phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. Cụ thể, tỉ lệ người dân, tổ chức phải đi lại 1 lần để giải quyết thủ tục hành chính trung bình 30%, đi lại 2 lần trung bình 59,15%, đi lại 3 lần trung bình 6,23%, đi lại 4 lần trở lên trung bình 1,75%. Có 61/63 tỉnh, thành để xảy ra tình trạng người dân phải đi lại từ 4 lần trở lên để giải quyết thủ tục hành chính.

Chưa hết, tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu vẫn còn. Người dân và doanh nghiệp vẫn “kêu ca” về thủ tục hành chính còn rườm rà. Tiếng “kêu” này gặp ở nhiều cơ quan khác nhau. Theo báo cáo SIPAS 2021, tình trạng công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu diễn ra ở 46/63 tỉnh, trong đó tỉnh cao nhất là 2,3%, tỉnh có tỉ lệ thấp nhất là 0,25%; hoặc người dân, tổ chức phản ánh phải trả thêm tiền ngoài phí/lệ phí diễn ra ở 22/63…

Vẫn biết, các con số này chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng thể chung. Tuy nhiên những con số này tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công với cả những điểm sáng và cả những điều cần cải thiện hơn nữa. Và chính những “con số nhỏ” cùng sự phàn nàn, kêu ca của người dân đòi hỏi các ngành, địa phương phải tiếp tục có sự tập trung cao hơn với nhiều giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao thứ hạng, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính.

Muốn thế ngoài việc sửa đổi cơ chế, chính sách pháp luật, cần sự nêu gương, tinh thần phục vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Và khi những người thực thi công vụ thực sự là “công bộc” của dân thì nền hành chính đến gần dân hơn, đúng nghĩa là “vì nhân dân phục vụ”./.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN