Công an TP.Uông Bí: Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật
(ĐCSVN) - Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Công an tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với các Ban, ngành, đoàn thể, Công an TP Uông Bí đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã bước đầu hình thành ý thức chủ động, tự giác chấp hành pháp luật, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua đó, các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố ngày càng giảm, giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tạo môi trường lành mạnh, trật tự, kỷ cương, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố.
Công an phường Phương Nam tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường trên địa bàn phường. |
Bám sát những nội dung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH) của của thành phố và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Công an tỉnh, thời gian qua Công an thành phố Uông Bí bên cạnh việc huy động tối đa lực lượng, phương tiện, biện pháp trập trung nắm chắc tình hình, xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó, xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp có thể xảy ra và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tăng cường tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, tập trung đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm ma tuý, hình sự, tội phạm hoạt động theo băng ổ nhóm; làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và tuần tra, đảm bảo TTATGT; tham mưu giải quyết ổn định tình hình nội bộ nhân dân, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Mặt khác đã triển khai có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn thành phố.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH, TTATGT; nhận biết âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện để kích động, gây rối ANTT, thực hiện “Diễn biến hòa bình”; cảnh báo phương thức, thủ đoạn, hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm mạng, tội phạm ma túy, trộm cắp tài sản; cách thức đấu tranh phòng, ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội; vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chấp hành nghiêm chỉnh TTATGT; tích cực tham gia giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi; chủ động tham gia các mô hình tự quản về ANTT, mô hình An ninh cơ sở, phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện làm thủ tục cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử…
Để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, lan toả, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với yêu cầu, nhận thức của từng nhóm đối tượng tuyên truyền, Công an thành phố đã chủ động phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, cấp uỷ, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch đã kí kết giữa Công an và các ngành, cụ thể, như: Mặt trận Tổ quốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT gắn với phong trào đại đoàn kết toàn dân, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư; Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân làm tốt việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ký cam kết giáo dục, quản lý người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, tham gia vào chấp hành tốt các nội dung “Tổ nhân dân tự quản về ANTT”, xây dựng mô hình an ninh cơ sở; Đoàn thanh niên phối hợp tuyên truyền tham gia giữ gìn ANTT, TTATGT, sử dụng mạng xã hội an toàn, cảnh giác trước tệ nạn ma tuý.
Đặc biệt, quá trình triển khai công tác tuyên truyền, lực lượng Công an thành phố luôn đổi mới hình thức tuyên truyền, tạo nhiều sức hút, sôi nổi trong các tầng lớp Nhân dân. Điển hình: Đối với tuyên truyền cho đối tượng là học sinh, Công an thành phố phối hợp nhà trường đã “mềm hóa” các quy định của pháp luật về thủ đoạn của các loại tội phạm, tác hại của các loại ma túy và tệ nạn xã hội, như: HIV/AIDS, bạo lực học đường, Luật Giao thông đường bộ thành các tiểu phẩm hấp dẫn do chính các em học sinh tham gia là đạo diễn và diễn viên chính. Hoạt động tuyên truyền pháp luật “mở” đó không chỉ hình thành ý thức thượng tôn pháp luật, mà còn xây dựng những giá trị “Chân - thiện - mỹ”, định hướng lý tưởng sống, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội trong mỗi học sinh.
Tiểu phẩm về chấp hành an toàn giao thông của trường tiểu học Lý Thường Kiệt. |
Năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022, Công an thành phố đã tổ chức 147 buổi hội nghị tuyên truyền cho hơn 19.000 người; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền về thủ đoạn trộm cắp tài sản, các quy định về quản lý sử dụng pháo; phối hợp với Đoàn Thanh niên Thành phố tổ chức tuyên truyền 14 buổi về công tác phòng chống tác hại của ma túy cho 2.000 thanh thiếu niên; tổ chức 21 lớp huấn luyện nghiệp vụ, tuyên truyền về PCCC cho 1.625 người là đội viên PCCC cơ sở. Bên cạnh đó, 06 tháng đầu năm 2022, Tổ công tác 35 Công an thành phố đã xây dựng, biên tập, đăng tải trên các trang mạng xã hội 193 bài viết (09 bài đấu tranh phản bác, 184 bài tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, kinh tế, xã hội, an ninh trật tự); chia sẻ 636 lượt các bài viết có nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, thông tin xấu độc, định hướng dư luận, góp phần tạo đồng thuận cao trong Nhân dân.
Tại các xã, phường, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường thời lượng tuyên truyền hàng ngày trên hệ thống loa truyền thanh. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; những hậu quả, tác hại của ma túy; nhắc nhở nhân dân đề cao bảo vệ tài sản; giải quyết tranh chấp trong nội bộ Nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm xây dựng khu dân cư đoàn kết, an toàn, xây dựng phong trào toàn dân vững mạnh từ cơ sở… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, năm 2021 nhân dân trên địa bàn thành phố đã tự giác giao nộp 26 khẩu súng, 47 viên đạn các loại, 83 quả pháo, 59 dao, kiếm các loại, 33 kíp nổ, 4m dây nối kíp, 01 thỏi thuốc nổ; cung cấp hàng trăm nguồn tin về ANTT cho lực lượng Công an.
Đặc biệt, hiện nay, các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo được người dân sử dụng phổ biến. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên mạng xã hội là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin của Nhân dân. Nắm bắt được xu thế, lợi ích này, đến nay Công an thành phố đã xây dựng, quản lý 01 fanpage facebook mang tên “Uông Bí Ngày Mới” thu hút hơn 22.000 lượt like và theo dõi; 10/10 Công an xã, phường đều đã thiết lập các nhóm zalo, facebook, được kiểm soát chặt chẽ, tương tác, hoạt động 24/24 với nhân dân. Thông qua trang fanpage, lực lượng Công an thành phố, Công an xã, phường đã thông tin nhanh, chính xác, đầy đủ các văn bản pháp luật cần triển khai; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần ổn định dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân; thông báo về tình hình ANTT trên địa bàn xã, phường; cảnh báo phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân phòng ngừa, cảnh giác hiệu quả. Đồng thời, những vấn đề thắc mắc được người dân nhắn tin, tương tác trực tiếp thông qua fanpage cũng được lực lượng Công an các xã, phường tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, hiệu quả. Đến nay, các trang fanpage của các xã đã nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Công an thành phố phối hợp tổ chức tuyên truyền công tác cấp tài khoản định danh điện tử, phòng chống tội phạm thông qua nền tảng mạng xã hội. |
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua, rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, lực lượng Công an thành phố phải chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức đúng, quan tâm, trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật. Coi đây là biện pháp thường xuyên, lâu dài, là nội dung quan trọng trong công tác đảm bảo ANTT. Quá trình tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với cơ quan, doanh nghiệp, trường học trong tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hai là, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình đảm bảo ANTT theo hướng “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, xây dựng thành công mô hình an ninh cơ sở; đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa, phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ba là, thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ CBCS làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đầu tư trang bị, phương tiện, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền.
Bốn là, quá trình tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp. Kết hợp chặt chẽ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, các cuộc vận động thi đua của các ngành, lĩnh vực, qua đó tạo khí thế thi đua, sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và hiệu quả.
Năm là, hình thức thể hiện và nội dung thông tin tuyên truyền của trang mạng xã hội phải đảm bảo tính sinh động, dễ hiểu, gần gũi với mọi đối tượng, tránh đăng tải các tin, nội dung mang tính lý luận khô khan, lượng thông tin dài. Quá trình vận hành đội ngũ cán bộ chiến sĩ cần nắm rõ các quy định của pháp luật, nghiên cứu, thẩm định kỹ bài viết, thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ trên trang mạng xã hội; nâng cao kỹ năng phân tích, diễn giải, giải đáp vấn đề một cách chính xác, ngắn gọn, trọng tâm cần tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân.
Sáu là, thường xuyên đánh giá, tổng kết chỉ rõ những ưu điểm, tồn tại và nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, khen thưởng, biểu dương kịp thời cá nhân, tập thể, mô hình hay triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ./.