Còn trên 4.700 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên cả nước
Ông Đỗ Mộng Hùng – Trưởng Ban An toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết về thực trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) cao áp trên toàn quốc. Hội nghị trực tuyến về công tác an toàn năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra ngày 21/4.
Cũng theo ông Đỗ Mộng Hùng, số vụ vi phạm HLATLĐ cao áp năm 2016 đã giảm được 1.588 vụ so với năm trước. Đáng chú ý, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã xử lý triệt để các vụ vi phạm từ cuối năm 2015.
Hiện, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang tồn tại 2.350 vụ, chiếm gần 50% tổng số vụ vi phạm trên cả nước. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) còn 962 vụ, chiếm tỷ lệ 20%.
Thời gian qua, các đơn vị trong toàn Tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ HLATLĐ cao áp và an toàn điện như: Sản xuất nội dung phát trên đài phát thanh – truyền hình ở trung ương và địa phương, phát tờ rơi đến từng khách hàng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về bảo vệ HLATLĐ tại các trường học,…
Song song, các đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để quản lý, ngăn ngừa và xử lý các vụ vi phạm HLATLĐ cao áp. Hiện, nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để giải quyết những vấn đề liên quan đến HLATLĐ cao áp và ký quy chế phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện.
Năm 2017, EVN đặt mục tiêu giảm 50% số vụ vi phạm HLATLĐ cao áp và không để phát sinh số vụ vi phạm mới.
Chỉ đạo về công tác này, ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động xây dựng chương trình phát trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương cũng như địa phương, trong đó có các kênh thông tin của Tập đoàn như Tạp chí Điện lực và các trang thông tin điện tử. Nội dung tuyên truyền phải thiết thực, dễ hiểu để nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về sự nguy hiểm, cũng như những thiệt hại có thể xảy ra khi vi phạm HLATLĐ cao áp.
Phó Tổng giám đốc EVN cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là 21 tỉnh chưa thành lập Ban chỉ đạo Bảo vệ HLATLĐ cao áp để thành lập và hỗ trợ ngành Điện trong việc xử lý những trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, cải tạo, nâng cấp, hạ ngầm lưới điện; rà soát điểm vi phạm, báo cáo chính quyền địa phương xử lý ngay để phòng tránh tai nạn, đồng thời đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cũng là những giải pháp trọng tâm sẽ được Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện trong thời gian tới.