Cơn "khát" xăng….đã giảm nhiệt!
(ĐCSVN)- Cho tới ngày 13/10, hiện tượng “cháy xăng” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dường như đã giảm nhiệt. Thế nhưng, câu chuyện về xăng những ngày qua thật sự đã làm nhiều người ám ảnh và lo lắng khi họ đã từng phải chạy lòng vòng 3,4 cây xăng mà không thể mua nổi chút nào.
Những ngày vừa qua, nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh mệt mỏi khi chạy lòng vòng vài cây xăng vẫn không đổ được xăng (ảnh: báo ĐĐK) |
Nhớ lại vài ngày trước, chị Loan, ngụ phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, chiều ngày 10/10 chị chạy qua mấy cây xăng ở Gò Vấp, rồi quay về đường Vườn Lài ở quận 12 mà vẫn không có nơi nào còn xăng cả. “Sáng hôm sau đang đưa con tới trường, xe hết xăng và 2 mẹ con phải dắt bộ một đoạn. Vừa đi vừa thương con, và tôi thấy tiếc giá như mình không chạy lòng vòng để tìm chỗ đổ xăng lúc chiều ấy thì ít ra cũng còn tiết kiệm chút ít, chắc chắn đủ đưa con tới trường. Tôi chưa bao giờ gặp phải cảnh này vì trước giờ cứ khi nào xe còn 1 vạch xăng là tôi đã lo đổ đầy bình rồi. Đưa con vô trường xong, tôi còn phải dắt bộ đi tìm chỗ đổ xăng nữa. Sáng đó tới chỗ làm là gần 9 giờ nhưng may mắn là dù phải xếp hàng thì tôi cũng đã đổ được xăng. Lãnh đạo công ty mấy ngày qua cũng thấu hiểu điều này nên rất thông cảm cho những ai đi làm trễ như tôi”, chị Loan chia sẻ khi nhớ lại câu chuyện của mình.
Nói về xăng những ngày qua, mỗi người một câu chuyện và có lẽ họ sẽ nhớ mãi. Anh Tuấn (nhân viên văn phòng ở quận 1, ngụ TP Thủ Đức) kể rằng, anh nghĩ tan tầm sẽ rất đông người tiện trên đường đi làm về sẽ ghé đổ xăng và như thế sẽ các cây xăng rất đông nên anh chọn phương án chưa về nhà ngay mà ở lại công ty làm việc thêm. “21 giờ từ công ty về tới TP Thủ Đức, cứ nghĩ là sẽ vắng hơn, ai ngờ nơi thì báo hết sạch xăng, nơi thì đông nghịt người đang xếp hàng. Xe cũng dần cạn kiệt nhiên liệu, nên cuối cùng, tôi đành phải tạt vào một cây xăng trên đường Lê Văn Việt, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức. Tại đây, nhân viên phải giăng dây để phân luồng cho khách đỡ ùn tắc. Có người không thể đợi thêm đã phải bỏ về. Sau khi xếp hàng gần 30 phút tôi cũng đổ được xăng nhưng chỉ được đổ 50.000 đồng”. Anh Tuấn kể lại câu chuyện của mình và cũng lo sợ không biết những ngày tới tình trạng này có còn tái diễn nữa không.
Tình trạng của chị Loan hay anh Tuấn có lẽ là tình trạng chung của rất nhiều người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh những ngày qua. Có người chạy lòng vòng 3,4 nơi không đổ được xăng. Có người chờ cả nửa tiếng, tới lượt thì nhân viên thông báo “hết xăng”. Có người thì giữa đường phải xuống dắt xe vì cũng hết xăng. Điều này đã khiến cho nhiều công việc của người dân bị ảnh hưởng.
Tình trạng khan hiếm xăng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho tới tối ngày 12/10 đã phần nào được giải quyết. Tại buổi họp báo chiều 12/10, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đến 12h trưa cùng ngày, nhu cầu tiêu thụ xăng của người dân đã giảm, tình trạng đổ xô đi mua không còn. Đặc biệt, với 137 cửa hàng xăng hôm trước trong tình trạng tạm hết hàng thì tới nay đã phục hồi gần 68%.
Qua khảo sát trên thực tế, chúng tôi nhận thấy tại một số cây xăng lượng khách tới mua đã giảm từ 30-50% so với lúc cao điểm được xem là khan hiếm, “cháy hàng” trước đó. Hiện tượng “rồng rắn” xếp hàng để được đổ xăng dường như đã không còn. Một số nơi người dân cũng đã có thể đổ đầy bình chứ không còn phải lo chỉ đổ 20 hay 30 ngàn/lượt như những ngày trước.
Trên thực tế, tình trạng thiếu xăng không chỉ diễn ra ở TP Hồ Chí Minh mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh phía Nam như Đồng Nai, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Nói về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này trong những ngày qua, có tình trạng các thương nhân phân phối đã không chủ động nhập hàng để kinh doanh (vì bị thua lỗ) nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, hiện nay giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế. Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.
Ngoài ra, cũng còn có những lý do khách quan như ảnh hưởng của bão nên quá trình vận chuyển xăng dầu có gián đoạn… Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, chưa đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, thường xuyên, liên tục cho yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Hơn nữa, cùng thời điểm đó, 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam bị tước giấy phép; một số doanh nghiệp không thực hiện được thông quan do chưa kết nối phần mềm kiểm tra điện tử...
Bảng thông báo hết xăng tại trạm nhiên liệu Linh Trung (TP Thủ Đức) tối 8/10. (Ảnh: Ngọc Trang). |
Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp miền Nam bao gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp... cũng đã đồng loạt gửi kiến nghị lên Liên bộ Công Thương - Tài Chính. Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức. Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành; điều chỉnh mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ, tăng nguồn cung,… Bên cạnh đó, cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu) góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Trước tình hình căng thẳng về xăng như những ngày qua, ngày 12/10, Bộ Công thương đã có cuộc họp với các doanh nghiệp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để lắng nghe ý kiến, tìm ra giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường.
Cũng trong ngày 12/10, tại họp báo thường kỳ, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết đã đề nghị các nhà máy lọc dầu giao hàng nhanh cho các đơn vị đã ký hợp đồng. Hiện 70% sản lượng xăng dầu trong nước được cung ứng từ hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. "Sử dụng nguồn dự trữ để giao ngay, bán hàng cho các khu vực bị thiếu nguồn cung cục bộ", lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước về hạn mức tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tăng nhập, mua xăng dầu trong nước, và tháo gỡ cho các doanh nghiệp bị rút giấy phép khi siết tín dụng.
Bên cạnh nguồn hàng từ hai nhà máy lọc dầu, Bộ Công Thương sẽ tính toán phân giao hạn ngạch (nhập khẩu, trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đáp ứng đủ tổng nguồn thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, giải pháp cần kíp vẫn là tăng chi phí vận chuyển trong nước, chi phí vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các khoản premium nước ngoài, trong nước vào cơ cấu tính giá cơ sở nên sẽ kiến nghị Chính phủ để điều chỉnh sớm nhất.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tình hình thế giới biến động phức tạp từ cuối 2021 đến nay ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung về năng lượng, trong đó có xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã nỗ lực cơ bản đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân.
“Cả nước có 17.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu, do đó, cần có con số tạm ngừng kinh doanh chính xác. Nhưng dù bao nhiêu đi chăng nữa chúng tôi cũng sẽ cùng các bộ, ngành liên quan nhìn thẳng vào trách nhiệm và có biện pháp giải quyết”, Thứ trưởng nói.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, mặt hàng chiến lược, vì thế phải bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo xăng dầu cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước đặc biệt là hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Từ hiện tượng khan hiếm xăng cục bộ những ngày qua, chúng ta cần phải có sự đánh giá tổng thể đối với ngành xăng dầu nói chung.
Với sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của các cơ quan chức năng, chúng ta cùng hi vọng những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết vấn đề khan hiếm xăng tại một số tỉnh, thành khu vực phía Nam sẽ là những giải pháp căn cơ, hiệu quả để hiện tượng “khát xăng” như những ngày vừa qua sẽ không bao giờ tái diễn.
Tiếp xúc với cử tri chiều 12/10 trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết ngay khi tình hình diễn ra, Thành phố đã triển khai những giải pháp trong thẩm quyền để xử lý. Sở Giao thông Vận tải và Công an Thành phố đã phối hợp để điều chỉnh thời gian lưu thông của xe vận chuyển xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung. Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường Thành phố cũng giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng. Thành phố cũng đã có những kiến nghị kịp thời với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. "Hôm qua đã có điều chỉnh giá, tình hình có dịu lại. Nhưng phải có giải pháp, không để mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu lại tạo ra những cú sốc thị trường", Chủ tịch UBND Thành phố nói. |