Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cơ sở y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Thứ Tư, 28/11/2018 14:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Y tế cơ sở từ chỗ chỉ là "tuyến dưới" đã và đang trở thành "trung tâm" và giữ vai trò là "người gác cổng", góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Ngành y tế chuyển mình, trước tiên cán bộ y tế cơ sở phải chuyển mình, phải thay đổi thái độ, thực hiện tốt hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Để hiểu rõ hơn về những khó khăn, thách thức và những nỗ lực vượt bậc của ngành Y tế trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ Trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) đã chia sẻ những thông tin xung quanh vấn đề này tại buổi truyền hình trực tuyến do Báo Lao động tổ chức.

ông Nguyễn Đình Anh - Vụ Trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế).
Ảnh: ĐT

Phóng viên (PV): Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã được củng cố và phát triển. Năm 2018 được ngành Y tế chọn là năm hướng về y tế cơ sở. Ông có thể đánh giá đôi nét về vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân?

Ông Nguyễn Đình Anh: Theo tôi, y tế cơ sở là công tác quan trọng của ngành y tế, là cánh tay nối dài để chăm sóc sức khỏe cho người dân vì y tế cơ sở là gần dân nhất. Chính cán bộ y tế cơ sở trực tiếp triển khai các công tác phòng, chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình, hay các vấn đề an toàn thực phẩm…

Ngoài ra, trạm y tế xã còn có vai trò, chức năng là khám bệnh ban đầu cho người dân. Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp đảm bảo mục tiêu "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng" mà Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã đề ra.

Khi Nghị quyết 20 được thông qua, ngành Y tế đã triển khai đẩy mạnh xây dựng trạm y tế, với các mô hình điểm. Bộ Y tế phối hợp với các tỉnh xây dựng 26 mô hình xã, điểm đại diện cho 3 vùng.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng xây dựng hoạt động truyền thông để tiến tới sẽ nhân rộng ra toàn quốc.

PV: Hướng về y tế cơ sở, ngành Y tế đã xác định “truyền thông phải đi trước một bước”. Vậy trong thời gian qua, công tác truyền thông đã được triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Anh: Về công tác truyền thông, hiện nay Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như các lãnh đạo khác của Bộ chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt là vấn đề bảo hiểm y tế. Phải nói cho dân nghe và nghe dân nói.

Nói dân nghe tức là phổ biến kiến thức cho người dân, đặc biệt là vấn đề bảo hiểm y tế. Nói dân nghe còn là phổ biến kiến thức giúp người dân hiểu biết bệnh để có phương án dự phòng. Và khi có bệnh có thể đến trạm y tế hay bệnh viện tuyến huyện để khám chữa bệnh. Người dân cần được tuyên truyền, đặc biệt là các phong trào phòng chống dịch bệnh vệ sinh môi trường; từ đó giúp người dân thay đổi nhận thức.

Còn nghe dân nói tức là có những chính sách ban hành ra phải lắng nghe góp ý của dân. Những nhà quản lý phải lắng nghe những bất cập để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp với mong muốn của người dân.

Chính cán bộ cơ sở là những người phải thực hiện tiên phong trong công tác này. Tới đây, chủ trương của ngành Y tế là chuyển các bệnh không lây nhiễm từ bệnh viện tuyến huyện xuống các trạm y tế. Như thế, chúng ta sẽ tiết kiệm nhiều chi phí. Có nhiều loại thuốc tốt và loại bệnh được phát và điều trị tại trạm y tế cơ sở. Như vậy, trách nhiệm và vai trò của cán bộ y tế tuyến xã, tuyến cơ sở được nâng lên.

Thời gian qua, ngành Y tế cũng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rằng sẽ tăng chi phí rất nhiều nếu như người dân vượt tuyến, như: Không được thanh toán chi phí bảo hiểm y tế, tiền ăn ở khi người thân phải đi theo. Bên cạnh đó, tích cực truyền thông phòng bệnh hơn chữa bệnh để người dân chủ động phòng tránh những bệnh phát hiện sớm có thể điều trị được.

PV: Khi cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng thì người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến gây tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên? Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đình Anh: Theo tôi, hiện nay người dân có rất nhiều thuận lợi về mặt giao thông. Ngày xưa, để đi ra các bệnh viện tuyến Trung ương gặp rất nhiều khó khăn, có khi mất đến 1-2 ngày, trong khi hiện nay, chỉ cần vài tiếng là có thể đến bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế, nhiều người chọn phương án chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Hơn nữa, thời gian vừa qua, công tác truyền thông đẩy mạnh triển khai phổ biến những kĩ thuật điều trị mới. Từ đó dẫn đến người dân muốn lên tuyến trên để được sử dụng cơ sở vật chất tốt, những gói chăm sóc chất lượng cao. Những bệnh viện y tế tuyến Trung ương được hỗ trợ đào tạo nhân lực, thực hiện những chuyển giao kỹ thuật, đầu tư con người.

Như vậy, cũng cần có những chuyển giao kỹ thuật ở bệnh viện tuyến huyện hay tuyến xã, tuyến cơ sở giúp cho người dân an tâm sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, đi khám tuyến trên có thể nhận được những loại thuốc tốt hơn.

Vì thế, để cải thiện tình trạng vượt tuyến thì thay vì lên tuyến trên mới có thể nhận thuốc tốt, cần điều chỉnh để người dân nhận được những loại thuốc tốt ngay từ tuyến xã. Tôi cho rằng, phát triển y tế cơ sở thì truyền thông phải đi trước. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ có những phối hợp với các cơ quan liên quan để có phương án tuyên truyền giúp người dân có thể tiếp cận và tiếp nhận những dịch vụ tốt nhất tại tuyến y tế cơ sở.

PV: Chất lượng chuyên môn giữa các tuyến không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân dồn lên tuyến trên dẫn đến tình trạng quá tải. Điều này liệu có phải do công tác truyền thông tuyến dưới chưa thực sự hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Anh: Đúng là công tác truyền thông đã tốt rồi, nhưng vấn đề thay đổi hành vi của người dân cũng chưa đạt hiệu quả, khi người dân vẫn có xu hướng lên tuyến trên, dẫn đến tình trạng quá tải.

Nhiều khi vì người dân không có kiến thức về phòng, chống bệnh tật, dấu hiệu, triệu chứng của bệnh, nên khi có vấn đề xảy ra thường có xu hướng lên tuyến trên khám. Thậm chí là nghe bạn bè mách chỗ này chỗ khác rồi đến khám.

Vì thế, vấn đề tuyên truyền cho người dân là rất quan trọng, như: về cách phòng ngừa, điều trị, chăm sóc, vấn đề an toàn thực phẩm… Ngay cả các cán bộ y tế ở xã, phường cũng phải nâng cao việc tuyên truyền. Khi người bệnh đến với mình thì phải có những tư vấn về chế động sinh hoạt, ăn uống để người dân có kiến thức và tin tin tưởng.

Như tôi nói lúc đầu, vấn đề “nói cho dân nghe, nói về dân và làm cho dân hiểu” là rất quan trọng. Ngành Y tế chuyển mình, trước tiên cán bộ y tế cơ sở phải chuyển mình, phải thay đổi thái độ, thực hiện tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ngoài ra, thực sự chính sách về lương cho cán bộ y tế cũng chưa được quan tâm đúng mức. Ở đâu đó, nhất là vùng sâu, vùng xa, khi cán bộ y tế về công tác được một thời gian lại có xu hướng chuyển đi.

Nói thế để thấy, chính sách lương bổng ảnh hưởng rất lớn đến cán bộ y tế. Với mỗi cán bộ y tế đều bắt buộc phải thường xuyên liên tục học nâng cao trình độ, nhưng lương không đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình. Vì thế đang có một có xu hướng cán bộ y tế chuyển lên tuyến trên, khiến hệ thống y tế cơ sở mất đi những cán bộ giỏi.

Chúng tôi xác định để khẳng định được chất lượng và chuyên môn thì vấn đề cán bộ y tế là đặc biệt quan trọng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lồng ghép chức năng bác sĩ gia đình trong các trạm y tế xã.

Ngoài ra, vấn đề trang thiết bị cơ sở vật chất cũng rất quan trọng. Luật Ngân sách nhà nước quy định giao cho Chủ tịch UBND thực hiện đảm bảo cho ngân sách cho y tế, nhưng không phải địa phương nào cũng có sự đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế cơ sở.

Ngoài cán bộ y tế, cơ sở vật chất, tôi cho rằng cần quan tâm đến vấn đề bảo hiểm y tế. Người dân đóng góp thì phải được hưởng các khoản người ta đóng góp, như: đảm bảo đủ thuốc men để chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tôi được biết ở Đan Mạch hay ở Mỹ, không phải có một quỹ bảo hiểm mà có nhiều quỹ bảo hiểm khác nhau. Khi người dân ốm đau thì nhiều bên bảo hiểm sẽ lo việc chăm sóc, chi phí chữa bệnh. Vì vậy, tôi nghĩ trong thời gian tới cũng cần có những điều chỉnh chính sách để nhiều người tham gia vào các gói bảo hiểm cơ bản.

PV: Như ông đã chia sẻ ở trên, thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều phương án truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng, vai trò của y tế cơ sở. Vậy trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp truyền thông như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Anh: Đối với hoạt động truyền thông thời gian qua đã làm tốt, nhưng cần sự chung tay của cả xã hội. Ngoài vấn đề tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về y tế thì vấn đề phổ biến kiến thức cho người dân hiểu là rất quan trọng.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xử lý khủng hoảng truyền thông khi có sự sai sót. Khi xảy ra sai sót thì cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

Bên cạnh đó, khi đưa các công nghệ mới, cơ sở vật chất hiện đại vào sử dụng thì phải tăng cường truyền thông để người dân biết. Chúng tôi có quan điểm: Bệnh nhân là thượng đế, đang trả tiền cho chúng ta thì chúng ta phải phục vụ tốt. Người bệnh chính là khách hàng, khi chúng ta làm tốt thì người dân sẽ đến với mình.

Vì thế phải coi khách hàng là trung tâm, lấy chất lượng điều trị là hàng đầu, cùng với các dịch vụ hỗ trợ nữa thì sẽ từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Thậm chí cán bộ y tế cơ sở phải đi vào từng nhà để tuyên truyền. Ngoài ra, mạng xã hội cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc truyền thông, như việc lập trang Fanpage để tuyên tuyền, nhất là khi có các dịch bệnh đang xảy ra.

Hiện chúng tôi đang kết nối với bệnh viện, cơ sở y tế, yêu cầu lãnh đạo của các cơ sở y tế phải biết sớm nhất trước khi người khác biết. Lãnh đạo bệnh viện phải trực tiếp chỉ đạo để tránh các sai sót xảy ra. Ngoài ra, sẽ xây dựng chiến dịch phòng chống, nâng cao sức khỏe người dân, thì phải tuyên truyền đâu là nguy cơ, để người dân có các kiến thức phòng, chống bệnh tật.

Bên cạnh đó cần có sự chung tay của các cấp ngành, coi người dân là đối tượng trọng tâm trong vấn đề truyền thông.

Hiện chúng tôi đang có kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi xã hội, thay đổi hành vi của một nhóm, cộng đồng trong xã hội. Như vấn đề tác hại của rượu bia, thuốc lá, phải thực hiện tốt vấn đề truyền thông nhóm, để nâng cao ý thức, đề phòng tai biến. Việc này sẽ giúp lan tỏa tốt hơn các thông điệp để bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng.

Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân không chỉ của riêng ngành Y tế mà cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mong rằng, với những nỗ lực không ngừng, ngành Y tế sẽ tiếp tục phát huy được những thành tựu đã đạt được, tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng mạng lưới y tế cơ sở vững mạnh toàn diện để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Mai

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN