Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân”

Thứ Sáu, 24/03/2023 18:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hội thảo Khoa học: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân” nhằm mục đích làm rõ, làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn, những vấn đề cốt lõi làm cơ sở cho việc đề nghị, xây dựng Dự án Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.

Quang cảnh hội thảo. 

Chiều ngày 24/3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Ngọc Đường; TS. Nguyễn Quang Minh, Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.

Hội thảo nhằm mục đích làm rõ, làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn, những vấn đề cốt lõi làm cơ sở cho việc đề nghị, xây dựng Dự án Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân ở nước ta ngày càng được hoàn thiện, từng bước mở ra nhiều phương thức, cách thức để Nhân dân thực hiện quyền giám sát, phát huy tính tích cực chính trị, quyền làm chủ của Nhân dân.

Đồng thời với hoạt động giám sát của Nhân dân được thực hiện thông qua các đại biểu dân cử tại Quốc hội, HĐND, thì giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên Mặt trận; giám sát của Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và giám sát trực tiếp của cá nhân công dân... cũng đã đạt được những kết quả nhất định và ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng, các quy định về hoạt động giám sát của Nhân dân, nhất là về giám sát trực tiếp của cá nhân, cộng đồng, tập thể hoặc thông qua MTTQ Việt Nam, các tổ chức xã hội của Nhân dân còn chung chung, ít khả thi, tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Một số quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận liên quan đến quyền giám sát mới chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật như pháp lệnh, nghị định, chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật…

Hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát của Nhân dân chỉ mang tính kiến nghị, không có tính bắt buộc, trong khi thiếu quy định về các biện pháp để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Cơ chế pháp lý về hoạt động giám sát của Nhân dân còn chưa đồng bộ, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa giám sát của Nhân dân với thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng…

Do vậy, việc kiểm soát quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị của phía Nhân dân vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mang tính hình thức và hiệu quả thấp. Những điều này cho thấy rất cần thiết phải sớm khẩn trương, nghiên cứu xây dựng và ban hành một đạo luật riêng về hoạt động giám sát của Nhân dân, đó là Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo. 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo và với tinh thần khách quan, khoa học, trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng tin tưởng những ý kiến của đại biểu sẽ giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện sáng kiến pháp luật, đề nghị xây dựng đạo Luật và làm cơ sở để MTTQ Việt Nam đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền việc xây dựng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về những vấn đề lý luận vai trò và hoạt động giám sát của Nhân dân, pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân; tình hình, kết quả và những ưu điểm, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động giám sát của Nhân dân, từ đó đề xuất những quan điểm, yêu cầu, giải pháp mới và những nội dung, chế định cơ bản, quan trọng nhất của Dự án Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân.

Các đại biểu cho rằng, để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam thì một trong những giải pháp không thể thiếu và vô cùng quan trọng mang tính quy luật là tăng cường và nâng cao vai trò giám sát Nhân dân. Muốn thế, Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt để Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thực sự có hiệu quả bằng cả dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp; không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, pháp luật, quản lý cho Nhân dân, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, cung cấp thông tin đầy đủ, tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra các hoạt động của Nhà nước.

Bàn giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn hoạt động giám sát của Nhân dân, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, trước tiên cần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội với sự tham gia ngày càng rộng rãi của Nhân dân. Để thực hiện điều này cần xem xét việc sửa đổi, bổ sung những quy định về quyền và trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.

 Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng của các đại biểu tham dự.

Đề cập đến hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban thanh tra nhân dân, PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, hoạt động giám sát của các ban này ở cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Qua giám sát việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở đã giúp chính quyền địa phương khắc phục những thiếu sót trong công việc quản lý, chấn chỉnh những vấn đề tiêu cực của cán bộ, góp phần xây dựng chính quyền ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Do đó, Luật Hoạt động giám sát của nhân dân cần pháp điển hóa quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng và chuyển quy định về Ban thanh tra nhân dân từ Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở về Luật này.

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, Dự án Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân cần có sự rà soát các luật như Luật Dân sự, Luật MTTQ Việt Nam, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở,... để tránh sự trùng lặp, chồng chéo tại các nội dung về giám sát của Nhân dân. Đồng thời, Dự án Luật cần tăng cường sự phối hợp giám sát của Nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam; chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cấp, các ngành có liên quan đến giám sát của nhân dân để hoạt động có chất lượng và hiệu quả.

“Khi có dự thảo về Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân, cần tổ chức lấy ý kiến góp ý của Nhân dân để hoàn thiện luật trước khi trình Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng văn bản pháp luật và tính khả thi của luật được ban hành”, TS. Nguyễn Văn Hùng đề xuất…/.

 

Trung Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN