Cơ quan cấp phép cho Công ty Liên kết Việt “vô can”?
(ĐCSVN) - Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra Công ty Liên kết Việt và xử phạt hành chính với số tiền 570 triệu đồng về hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp. Như vậy, Bộ Công Thương “vô can”, có chăng là sự “cả tin” của 60.000 nạn nhân?
Hình ảnh quảng bá của Công ty Liên kết Việt thời hoàng kim.
( Nguồn: vneconomy.vn)
Công ty Liên kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10/2/2014. Sau khi Nghị định số 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực (từ ngày 1/7/2014), việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương mà đầu mối là Cục Quản lý cạnh tranh.
Ngày 22 tháng 12 năm 2014, Cục Quản lý cạnh tranh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số 006 cho Công ty Liên kết Việt.
Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bạch Văn Mừng cho biết: Ngày 15/7/2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Liên kết Việt. Theo đó, công ty này đã vi phạm các nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động bán hàng đa cấp ở một số tỉnh, thành phố; nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động hội nghị, hội thảo; nghĩa vụ liên quan đến đào tạo người tham gia và cấp thẻ cho người tham gia, nghĩa vụ báo cáo định kỳ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Ngoài ra, Công ty Liên kết Việt còn cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm; không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia thực hiện đúng...
Chỉ ra những vi phạm của Công ty Liên kết Việt, Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định xử phạt Công ty Liên kết Việt với số tiền 570 triệu đồng về hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Kiểm tra, xử phạt là việc phải làm của Cục Quản lý cạnh tranh. Điều đáng nói, những hành vi gian dối của Công ty Liên kết Việt ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người ở nhiều địa phương, nhưng Cục Quản lý cạnh tranh lại không đưa ra khuyến cáo để người dân dừng hợp tác kinh doanh hoặc yêu cầu với công ty trả lại tiền đã đầu tư.
Trả lời câu hỏi của báo chí: Vì sao xử phạt từ 15/7/2015 Công ty Liên kết Việt, nhưng Bộ Công Thương lại không hề có một cảnh báo nào với người tiêu dùng cho đến khi vụ việc vỡ lở? Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã “cởi lòng”: Việc công khai tuỳ thuộc vào mức độ sai phạm (?).
Cũng nói về trách nhiệm của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải “ trần tình”: Không thể nói là Bộ Công Thương chậm trễ được. Lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận, đây là một mức xử phạt "hết sức nghiêm khắc”.
Cứ theo cách giải thích trên, lãnh đạo Bộ Công Thương hoàn toàn “vô can”? Nhìn nhận bản chất của vụ việc, Bộ Công Thương nên cầu thị khi “soi” lại trách nhiệm của chính mình, bởi: Việc minh bạch thông tin không hoàn toàn phụ thuộc vào “mức độ sai phạm” mà phụ thuộc quyền được biết thông tin của người dân và trách nhiệm cung cấp thông tin, khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước; xử phạt 570 triệu đồng được cho là “hết sức nghiêm khắc” trong khi lại không truy được dấu hiệu lừa đảo bao nhiêu người, thu lời bất chính bao nhiêu tiền từ hành vi gian dối. Không lẽ, Công ty Liên kết Việt gian dối làm trò cười, không vì mục đích chiếm đoạt tiền của các nạn nhân?
Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can đối với một số lãnh đạo Công ty Liên kết Việt. Thông tin ban đầu cho biết, số nạn nhân trong vụ án này đã lên đến con số 60.000 trải dài trên 27 địa phương, với số tiền Công ty Liên kết Việt thu được là 1.900 tỷ đồng.
Thời điểm Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra, có thể số nạn nhân và số tiền Công ty Liên kết Việt thu được không nhiều như khi Cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc, nhưng những thủ đoạn kinh doanh gian dối thì giống nhau. Như vậy, nếu Bộ Công Thương cung cấp thông tin, khuyến cáo cho người dân trên cả nước biết những thủ đoạn gian dối của Công ty Liên kết Việt từ sớm thì vụ án sẽ không nghiêm trọng như hôm nay!
Đừng để... “mất bò mới lo làm chuồng”!