Có phản biện, chính sách mới phù hợp với cuộc sống
(ĐCSVN) – Mỗi một chính sách ra đời có quá trình từ dự thảo đến ký ban hành có hiệu lực đều có tham gia phản biện của xã hội, báo chí. Thông tư số 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cũng nằm trong quá trình ấy.
Người dân bối rối không biết lắp bình chữa cháy vào chỗ nào trong xe ô tô Innova.(Ảnh: Hương - Trang)
Những chính sách không khả thi
Như chúng ta thấy, thời gian vừa qua có nhiều qui định, thông tư, nghị định… gọi tắt là chính sách được xã hội và báo chí quan tâm phản biện, giám sát một cách tích cực về tính khả thi của nó.
Chẳng hạn, tháng 8/2012, báo chí có nhiều bài viết nhiều chiều xung quanh về các tiểu thương suýt phải bỏ chợ vì “thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ bình thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ” theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT. Quy định này bị tiểu thương phản đối kịch liệt vì tính phi thực tế trong điều kiện kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Việc siết chặt quản lý an toàn thực phẩm là điều cần thiết nhưng làm sao để kiểm soát được thịt “ra lò” đã 8 tiếng và nếu quá thời hạn ai sẽ là người xử lý vi phạm, làm sao để biết được thịt đã quá giờ thì không ai trả lời được? “Thịt 8 tiếng” đã được báo chí, truyền thông bình chọn là một trong những quy định gây tranh cãi nhất của năm 2012. Ngay người ký ban hành văn bản này sau đó cũng thừa nhận: “Nhìn chung ý muốn của Cục Thú y là rất tốt nhưng tính khả thi đúng là khó áp dụng”. Vì không áp dụng nổi, nên ngày 30/8/2012, Bộ này phải ký Quyết định số 2090/QĐ-BNN-TY ngừng hiệu lực thi hành đối với Thông tư 33 nêu trên.
Kỳ quặc thay lại có quy định về “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài” tại Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định tại buổi công bố Nghị định với báo chí đã lập luận, quy định như vậy để tránh việc nhìn vào thi thể đã để mấy ngày, tránh ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dự tang lễ. Ngay lập tức, xã hội và báo chí lên tiếng việc dùng biện pháp hành chính cấm đoán một hành vi văn hóa mang tính truyền thống, rất riêng tư của mỗi người là không thể chấp nhận. Và cuối cùng, lắng nghe dư luận và báo chí phản biện, văn bản này cũng bị cơ quan chức năng kiến nghị hủy bỏ.
Hay việc Bộ Công an ban hành Thông tư 27/2012/TT-BCA quy định về mẫu chứng minh nhân dân (CMND) qui định khai tên cha, mẹ mình ngay trên chứng minh nhân dân. Dư luận cho rằng; quản lý bằng vân tay như hiện nay là tốt nhất rồi, giờ thêm tên cha mẹ vào không giúp gì hơn cho quản lý, lại tạo ra phản cảm cho dân, vi phạm quyền con người. Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, quy định mới của ngành Công an đã vi phạm tính khả thi và cơ sở thực tiễn, nên cần phải xem xét lại. Nếu không có sự phản biện của xã hội và báo chí lên tiếng thì chắc những người có hoàn cảnh éo le, không có cha mẹ không biết phải kê khai thế nào ở mục tên cha, mẹ mình ngay trên chứng minh nhân dân. Với những phân tích, bình luận đánh giá của báo chí và xã hội, kết quả là Bộ Công an cũng đã tiếp thu và sửa đổi.
Dự thảo quy định "hỗ trợ tiền cho các gia đình sinh con gái một bề" vấp phải lên tiếng mạnh mẽ của báo chí và dư luận trái chiều. Nhiều bài báo đặt vấn đề, chẳng lẽ xã hội chỉ hỗ trợ bé gái mà quên mất bé trai cũng phải được quan tâm? Và vô hình trung, như vậy chính là thể hiện tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", vì sinh con gái nên phải được hỗ trợ để động viên?
Lạ thay! Quy định phạt 5 triệu đồng nếu sử dụng điện thoại ở cây xăng (theo Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy) đã thu hút sự chú ý của dư luận và báo chí, không phải vì lệnh cấm nghiêm ngặt mà vì họ băn khoăn: Liệu việc triển khai phạt sẽ như thế nào? Vì trên thực tế, nhân viên cây xăng là người trực tiếp phát hiện các vi phạm nhưng không có quyền xử phạt. Còn cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì không thể đủ người túc trực hết tại các cây xăng để bắt quả tang vi phạm. Thêm vào đó, lực lượng này không được giữ giấy tờ xe và xe thì làm sao bắt được người vi phạm nộp 5 triệu đồng? Sau khi xã hội và báo chí lên tiếng, Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp đã thừa nhận tính khả thi của việc xử phạt không cao và lãnh đạo ngành Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cũng thừa nhận, quy định mới này chỉ “để giáo dục ý thức, phòng ngừa vi phạm và giải pháp trước mắt vẫn tuyên truyền là chủ yếu”.
Hay như, quy định ngực lép không được lái xe; quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học; quy định về số vòng hoa trong tang lễ; hay dự thảo thông tư quy định nơi uống bia phải có nhiệt độ dưới 30 độ C…Còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành Trung ương và địa phương quy định thiếu tính thực tiễn, chẳng ăn nhập gì với cuộc sống chưa ra đời hoặc vừa ra đời đã “chết yểu”.
Kết quả của quá trình đó là do xã hội và báo chí lên tiếng bình luận, phân tích nhiều chiều, cả tính khách quan và chủ quan của vấn đề. Nhiều chính sách được sửa đổi, bổ sung và đi vào cuộc sống.
Và Thông tư của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện PCCC...
Những ngày qua, xã hội và báo chí đặc biệt quan tâm đến Thông tư số 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, từ ngày 6/1/2015, xe ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất có nguy cơ cháy, nổ cao phải trang bị bình chữa cháy. Trước vấn đề trên, báo chí đã vào cuộc tìm hiểu, thu thập tài liệu, thông tin phản ánh ý kiến của nhà làm chính sách Bộ Công an; Cục đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải; nhà sản xuất ô tô; tư thương bán bình PCCC và người chủ ô tô và lái xe.
Theo đó, báo chí đã dẫn lời Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cơ sở để Bộ Công an cho ra đời Thông tư 57 là, năm 2014 xảy ra 112 vụ, năm 2015 xảy ra 123 vụ cháy xe ô tô, trên tổng số hơn 2,6 triệu xe ô tô hiện đang lưu hành ở Việt Nam. Các vụ cháy phương tiện giao thông gây nhiều thiệt hại về tài sản đối với chủ phương tiện, cơ quan và doanh nghiệp sử dụng phương tiện và nhất là gây ra tâm lý hoang mang cho người dân và hành khách đi trên xe. Việc không trang bị phương tiện PCCC đối với ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên theo quy định của Thông tư này bị xử lý hành chính theo quy định của Nghị định số 167/2013. Cụ thể: Bị phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới (cụ thể là xe ô tô từ 04 chỗ ngồi trở lên,…).
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trí - Cục phó, Cục Đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Cục tiến hành kiểm định xe cơ giới theo quy định của Thông tư 70 của Bộ GTVT trong khi Thông tư số 57 của Bộ Công an đưa ra quy định về việc kiểm soát trên đường. Đối tượng áp dụng của Thông tư 57 không liên quan tới việc kiểm định xe cơ giới và việc đưa ra và áp dụng các quy định về kiểm định xe cơ giới là thuộc quyền hạn của Bộ GTVT.
Do đó hiện nay, Cục Đăng kiểm chỉ đạo các trạm đăng kiểm chỉ nhắc nhở người dân về việc có quy định liên quan tới trang bị bình cứu hoả. Đại diện Cục Đăng kiểm cũng cho biết, Cục chỉ kiểm tra về trang bị bình cứu hoả đối với xe trên 16 chỗ ngồi và những xe téc. Như vậy, việc lưu hành xe không trang bị bình cứu hoả vẫn như bình thường, không bị xử phạt.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ ký công văn gửi Bộ Công an đề nghị Bộ xem xét lại cơ sở pháp lý ban hành thông tư. Theo Bộ GTVT, việc ban hành thông tư của Bộ Công an hay thông tư liên tịch cần căn cứ theo pháp luật về giao thông đường bộ và phòng cháy chữa cháy. Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an nghiên cứu không áp dụng quy định của Thông tư 57 đối với xe nhập khẩu mà tại các quốc gia sản xuất không có quy định phải có phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Lý do là Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có quy định cho phép nhập khẩu các xe cơ giới đã được kiểm tra, chứng nhận. Việc lắp đặt thêm phương tiện phòng cháy, chữa cháy lên các xe không có sẵn vị trí để lắp đặt sẽ có thể làm ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của lái xe, an toàn cho người đi trên xe hoặc không đảm bảo khả năng phòng cháy, chữa cháy.
Đối với các tài xế, chủ xe ôtô thì rất bối rối bởi mua bình cứu hoả ở đâu là chất lượng? Giá cả thế nào? Ai là người kiểm định bảo đảm? Còn đối với người bán hàng, bản thân nhiều người bán cũng chỉ biết bán, không biết chất lượng ra sao. Giá cả bình chữa cháy cũng không cố định tùy theo từng loại bình, kích cỡ. Nhiều loại bình không hề có tem kiểm định...
Thực tiễn cho thấy, nếu như những chính sách nêu ra ở quá trình dự thảo được báo chí và xã hội phản biện, người làm chính sách lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc vì lợi ích của người dân thì chính sách đó sẽ đi vào cuộc sống. Còn ngược lại, khi dự thảo chính sách không được phản biện, không phù hợp với thực tiễn thì tất yếu, vừa ban hành sẽ “chết yểu”, gây tâm lý bức xúc cho người dân.