Có những đứa trẻ không thể trở về…
(ĐCSVN) – Cả thị trấn nhỏ Uthai Sawan ở tỉnh Nong Bua Lamphu, Đông Bắc Thái Lan vẫn chìm trong đau thương, bàng hoàng vì thảm kịch xảy ra tại nhà trẻ, làm ít nhất 38 người thiệt mạng, trong đó có 24 trẻ em. Phụ huynh của 24 em nhỏ không thể ngờ rằng, khoảnh khắc họ tạm biệt con vào lớp cũng là khoảnh khắc cuối cùng họ được nhìn thấy con…
Nỗi đau đớn, bàng hoàng
Những bức ảnh làm day dứt người xem khi ghi lại khoảnh khắc những người cha, người mẹ khi đến trường đón con nhưng chỉ nhận lại là tấm chăn và bình sữa còn đang uống dở. Những đoạn video ghi lại những tiếng gào khóc tuyệt vọng của các gia đình khi những đứa trẻ ngây thơ, bé bỏng của họ bỗng chốc chở thành nạn nhân xấu số của một cơn cuồng nộ. Không chỉ các phụ huynh mà dư luận nói chung đều phẫn nộ về cách mà kẻ thủ ác gây ra; đau đớn, xót xa về cách mà những đứa trẻ vô tội phải ra đi khi lẽ ra các em đáng được hưởng sự ôm ấp, chở che của người lớn.
Một cặp vợ chồng ôm chăn và bình sữa của con - là nạn nhân trong vụ thảm sát ở nhà trẻ hôm 6/10 (Ảnh: AFP) |
Ngày 6/10, người dân Thái Lan đã phải chứng kiến những giờ phút đau lòng khi đoàn dài xe cứu thương chở các thi thể và người bị thương ra khỏi khu vực trường mầm non ở tỉnh Nong Bua Lamphu. Đối tượng thực hiện vụ tấn công kinh hoàng bằng súng và dao là Panya Khamrab (34 tuổi) – một cựu cảnh sát, cũng là người có con gửi tại trường mầm non này.
Theo cảnh sát Thái Lan, vào sáng 6/10, Panya Khamrab phải đến hầu tòa vì tội danh liên quan đến ma túy. Panya đã bị sa thải vào năm ngoái vì sử dụng ma túy. Sau khi hầu tòa, hắn đến trường mầm non để đón con nhưng không thấy và bắt đầu nổi cơn cuồng nộ. Theo một số nhân chứng – là các giáo viên may mắn thoát nạn kể lại, hắn đã dùng súng bắn trước, sau đó dùng dao để sát hại mọi người. Đầu tiên hắn tấn công nhóm giáo viên đang ăn cơm trưa bên ngoài cửa trước khi xông vào trong phòng để dùng dao ra tay với những đứa trẻ đang ngủ trưa.
Sau khi dùng dao sát hại các giáo viên và các em nhỏ, đối tượng Panya Khamrab rời khỏi trường mầm non và sát hại những người trên đường về mà hắn gặp bằng cả súng và dao – theo cảnh sát Thái Lan. Panya sau đó quay về nhà sát hại vợ con rồi tự kết liễu tính mạng. Đến nay, có tất cả 38 người được xác nhận đã thiệt mạng trong vụ việc (bao gồm cả hung thủ), một trong số nạn nhân là cô giáo 25 tuổi đang mang thai tháng thứ 8 và 24 em nhỏ, chủ yếu trong độ tuổi 2-5 tuổi. Ngoài ra có 10 người khác bị thương, trong đó có 6 người bị thương rất nặng.
Ammy (3 tuổi) là cô bé duy nhất trong lớp học đã may mắn sống sót và không bị thương trong vụ thảm sát nhờ việc em ngủ say với tấm chăn trùm lên người. Ngoài ra, còn một em bé khác sống sót nhưng bị thương rất nặng và đang được chăm sóc đặc biệt. Ông nội của Ammy cho biết: “Khi thức giấc, con bé không biết chuyện gì đang xảy ra và tưởng rằng các bạn vẫn đang ngủ. Một sĩ quan cảnh sát đã trùm khăn lên mặt Ammy và đưa bé ra khỏi hiện trường thảm khốc". Ammy hoàn toàn không biết rằng, từ ngày mai, các bạn của em sẽ không thể chơi đùa cùng em được nữa…
Vào ngày 9/10, gia đình Ammy tham gia một buổi lễ cầu nguyện dành cho những người đã phải trải qua trải nghiệm tồi tệ hôm 6/10. Ammy ngồi trong lòng mẹ, bẽn lẽn nhìn xung quanh với đôi mắt to tròn, ngây thơ, và nghịch cây nến mẹ cầm trên tay… Đó là một khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi giữa một thị trấn đang chìm trong nỗi buồn bã, tang thương….
Những vấn đề nhức nhối
Vụ thảm sát tại nhà trẻ là vụ giết người hàng loạt lớn thứ 2 ở Thái Lan, sau vụ ở tỉnh Nakhon Ratchasima vào ngày 8/2/2020 khiến 31 người thiệt mạng, trong đó thủ phạm là 1 quân nhân. Điểm chung giữa 2 thủ phạm là đều ở trong lực lượng vũ trang và được đào tạo bài bản về cách sử dụng súng. Sự khác biệt giữa 2 người là ở vụ mới nhất, thủ phạm Panya Khamrab đã bị sa thải khỏi ngành cảnh sát vì nghiện ma túy.
Hiện trường vụ xả súng ở tỉnh Nong Bua Lamphu, Thái Lan ngày 6/10 và nghi phạm Panya Khamrap (khoanh đỏ). Ảnh: Khaosod. |
Cho đến nay, cảnh sát vẫn chưa xác định được động cơ gây nên vụ thảm sát nhưng việc đối tượng Panya Khamrab bị sa thải khỏi ngành cảnh sát vì tội danh liên quan đến ma túy đã dẫn đến suy đoán rằng “ma túy có vai trò nào đó” trong vụ việc này. Trả lời phỏng vấn của báo giới, mẹ của Panya Khamrab cho rằng: con bà chịu nhiều áp lực về nợ nần và sử dụng ma túy.
Sau vụ xả súng thương tâm, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-O-cha đã chỉ thị đẩy mạnh chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy và tập trung hơn nữa vào việc hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.
Trong tuyên bố ngày 10/10, người phát ngôn chính phủ, ông Anucha Burapachaisri cho biết Thủ tướng Prayuth coi đây là mục tiêu ưu tiên trong chương trình nghị sự khẩn cấp quốc gia và yêu cầu cảnh sát mạnh tay chống tệ nạn ma túy nhằm khôi phục lòng tin của công chúng.
Theo người phát ngôn trên, cảnh sát sẽ tiến hành khám xét ngẫu nhiên để phát hiện ma túy, bắt giữ những kẻ phạm tội và hỗ trợ những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, các lãnh đạo lực lượng cảnh sát sẽ giám sát nhân viên của mình để kịp thời phát hiện những đối tượng có dính líu đến ma túy và buộc những đối tượng này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước đó, ngày 7/10, Bộ Nội vụ Thái Lan đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để tìm biện pháp giải quyết vấn đề lạm dụng ma tuý và sở hữu súng ở Thái Lan. Bộ Nội vụ Thái Lan cũng đang cân nhắc các biện pháp nhằm tăng cường an ninh, an toàn cho trẻ em bằng việc tiến hành kiểm tra thường xuyên các thiết bị ở sân chơi, lắp đặt thêm camera an ninh và kiểm soát khách ra vào các cơ sở dạy trẻ và trường học chặt chẽ hơn.
Thảm kịch xả súng nói trên cũng đặt ra nhiều thách thức trong nỗ lực kiểm soát súng đạn tại Thái Lan. Có ý kiến cho rằng, vụ xả súng nghiêm trọng vừa qua tại Đông Bắc Thái Lan sẽ không phải là vụ bạo lực cuối cùng và đã đến lúc xã hội Thái Lan phải suy nghĩ lại về việc sở hữu súng đạn.
Nhưng có lẽ không chỉ Thái Lan, mà vấn đề lạm dụng ma túy, súng đạn cũng là nỗi nhức nhối chung ở các nước. Bởi bất kì người dân vô tội nào phải từ bỏ tính mạng một cách oan uổng vì ma túy, súng đạn,… đều là điều không thể chấp nhận và tha thứ được!./.