Có nên hạn chế xe cá nhân?
(ĐCSVN) – Vừa qua, lần đầu tiên lãnh đạo TP Hà Nội có chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân và có lộ trình đến năm 2025 sẽ dừng hoạt động loại phương tiên này trong nội đô. Chủ trương này đã và đang nhận được nhiều ý kiến trong dư luận... Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận và trích đăng một số ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Phương tiện tham gia giao thông của Hà Nội đang quá tải vì xe cá nhân
Nên phát triển giao thông công cộng trướcÝ kiến của nhiều độc giả gửi về Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đều đồng quan điểm, trước khi hạn chế xe cá nhân Hà Nội nên phát triển hệ thống giao thông công cộng. Độc giả Nguyễn Huy Hoàng (quận Đống Đa) cho rằng, hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc giao thông cũng là một phương án, nhưng cần phải làm rõ người dân đi làm, đưa con đi học bằng phương tiện nào cho thuận tiện.
Theo độc giả Lưu Hải Yến (quận Hoàng Mai) bình luận: “Nếu hạn chế phương tiện cá nhân mà có phương tiện hiện đại và hợp lý thay thế thì người dân sẽ chập nhận, không phải cấm”. Cùng quan điểm này, độc giả Vũ Minh Tuấn (quận Hoàn Kiếm) nêu ý kiến: “Phải xây dựng hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại chính đáng của người dân (thuận tiện, giá cả hợp lý) đồng thời có biện pháp thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu”.
Đến nay, phương tiện giao thông công cộng vẫn chỉ là xe buyt trên các tuyến chính, trong khi hình thức và tiện nghi đều chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Xe taxi thì giá cước quá đắt... Giao thông công cộng như vậy mà hạn chế xe cá nhân thì rất khó cho người dân, bạn đọc Trần Sơn (quận Đống Đa) chia sẻ.
Còn độc giả Hùng (quận Nam Từ Liêm) thì thẳng thắn: Tôi thấy xe buýt hiện rất mất cảm tình, xả khói đen xì, còi inh ỏi, lạng lách, vượt ẩu. Thái độ phục vụ của tài xế và lơ xe chưa văn minh, lịch sự. Điều này đã gây mất thiện cảm của người dân với loại phương tiện công cộng này.
Chưa nên hạn chế
Chưa đồng tình với việc hạn chế xe cá nhân, độc giả Mai Anh Lợi (quận Hoàn Kiếm) lý giải: “Hiện nay, việc di chuyển bằng xe buýt từ nhà đến nơi làm việc còn mất quá nhiều thời gian, chưa kể đến việc hay bị chen lấn, xô đẩy vào các khung giờ cao điểm. Vì thế, theo tôi chỉ nên hạn chế xe cá nhân lưu thông ở một số tuyến đường”.
Nhiều độc giả gửi thư về tòa soạn đã đưa ra các giải pháp nhằm giải tỏa ách tắc giao thông. Bạn đọc Nguyễn Mạnh Hùng (quận Hai Bà Trưng) nêu ý kiến: “Cần chấm dứt cấp mới các hãng taxi và hạn chế số lượng xe; xem xét lại việc cấp đăng ký xe máy, ô tô cho cả sinh viên ngoại tỉnh; chuyển bệnh viện và trường học ra ngoại thành…”.
Cạnh đó, lại có nhiều ý kiến cho rằng, muốn người dân đi xe buýt trước hết phải "lột xác" xe buýt từ trong ra ngoài, từ người điều hành đến tài xế, nhân viên soát vé.... Xe buýt phải đẹp, sạch, mát, không ồn, không khói, tài xế và nhân viên soát vé phải văn minh, lịch sự. Đồng thời, người điều hành phải nghiên cứu các tuyến xe sao cho thực sự tiện lợi cho người dân đi xe. Ngoài ra, các cấp chính quyền cũng nên mạnh dạn không cho xe máy lưu thông trong các quận nội thành, dần dần xóa bỏ xe 2 bánh ở các đô thị có dân số trên 2.000.000 người...
Độc giả Trần Mạnh Cường (quận Ba Đình) bày tỏ: “Nói đến ùn tắc giao thông là mọi người thường nói đến ô tô, vậy còn xe gắn máy thì sao? Theo tôi phải có các chế tài mạnh với xe gắn máy, vì đó mới là nguyên nhân gây ùn tắc”.
Đề cập đến một khía cạnh khác, độc giả Trần Thanh Hải (quận Thanh Xuân) cho rằng: Nếu thành phố Hà Nội còn tiếp tục cấp phép xây dựng các chung cư trong nội đô thì việc giải quyết bài toán giao thông sẽ ngày càng khó khăn.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Phó trưởng khoa Vận tải - Kinh tế (ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) thì cho rằng, việc cấm xe cá nhân trong khi chưa tìm ra được phương tiện thay thế là một giải pháp mâu thuẫn. Ông cho biết: “Có cấm cũng không được vì nhu cầu đi lại của người dân là nhu cầu tất yếu, có tăng chi phí dịch vụ hay nghiêm ngặt hơn trong khâu thủ tục thì người dân vẫn buộc phải đi bằng xe cá nhân vì vẫn chưa có phương tiện thay thế” .
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị, cần cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị và hệ thống giao thông công cộng rồi hãy tính tới chuyện hạn chế phương tiện cá nhân. “Phương tiện công cộng mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đi lại của người dân, nếu cấm cả phương tiện cá nhận thì số dân còn lại đi bằng gì?” - TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng hệ thống giao thông công cộng hiện nay quá lạc hậu. TP. Hà Nội và TP.HCM không có đường sắt đô thị, chỉ có xe buýt mà số lượng lại ít và không phát huy được chức năng vận tải, người dân mới sử dụng 1, 2 lần đã không muốn đi nữa vì xe quá chậm, không đúng giờ, thái độ phục vụ lại thiếu lịch sự. “Tăng chi phí đi lại là việc làm không phù hợp với lòng dân. Việc đánh vào người khó khăn để hạn chế phương tiện cá nhân là một việc làm thiếu nhân đạo” -TS Xuân Thủy nhấn mạnh./.