Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cô giáo truyền cảm hứng cho học sinh yêu môn Lịch sử

Thứ Ba, 31/01/2017 11:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy học, với tình yêu môn Lịch sử, cô giáo Lê Thị Mỹ, Trường THCS Thị trấn Mỹ An (Tháp Mười, Đồng Tháp) đã truyền cảm hứng đặc biệt cho nhiều thế hệ học trò. Con số 73 giải học sinh giỏi cấp huyện, 57 giải học sinh giỏi cấp tỉnh đã phần nào nói lên những nỗ lực và thành quả của cô trong sự nghiệp "trồng người".

Cô giáo Lê Thị Mỹ và các em học sinh. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Cô Lê Thị Mỹ nuôi dưỡng tình yêu môn Lịch sử từ khi bước chân vào trường THCS. Dù đã mấy chục năm trôi qua, cô Mỹ vẫn còn nhớ như in hình ảnh cô giáo dạy Lịch sử Nguyễn Thị Nô - Trường cấp 2 Vĩnh Thới (Lai Vung, Đồng Tháp) với giọng nói dịu dàng mỗi khi giảng bài đã khiến cô học trò cấp 2 thích mê mẩn nghề dạy học. Ước mơ trở thành cô giáo dạy Lịch sử cũng nhen nhóm từ đó.

“Hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Cả 5 anh chị em đều phải nghỉ học vì nhà quá nghèo, nhưng chính vì ước mơ trở thành cô giáo nên dù cuộc sống vô vàn khó khăn, tôi vẫn quyết tâm bằng mọi giá để được đến trường, rồi thi vào trường sư phạm với mong mỏi được đứng trên bục giảng” – cô Mỹ nhớ lại.

Thành công của cô giáo Lê Thị Mỹ không chỉ thể hiện ở số lượng học sinh giỏi lớp 9 môn Lịch sử đoạt giải các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng nhiều với chất lượng bền vững; ở thiết bị dạy học tự làm dự thi đều đoạt giải cấp tỉnh, mà còn là tình cảm yêu mến của đồng nghiệp và học trò.

Khó khăn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử với cô Mỹ cũng là trăn trở chung của nhiều giáo viên khi mà môn Lịch sử không được nhiều học sinh và cả phụ huynh coi trọng; số học sinh giỏi “tốp đầu” đăng kí học bồi dưỡng học sinh giỏi môn sử không nhiều... Thế nhưng, cô Mỹ cho rằng, nếu thực sự tâm huyết và cố gắng, thì không gì là không thể.

Theo kinh nghiệm của cô Lê Thị Mỹ, ngoài xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi thật sự chi tiết, việc chọn đội tuyển rất quan trọng. Theo đó, học sinh trong đội tuyển cần đáp ứng các điều kiện về học lực và hạnh kiểm, nhất thiết phải yêu thích môn học, kiên nhẫn; có chữ viết dễ coi và có kĩ năng phân tích, tổng hợp. Số lượng được chọn phải nhiều hơn yêu cầu từ 2 đến 3 học sinh.

“Thông thường, tôi sẽ đến từng lớp 8 để động viên học sinh đăng ký vào đội tuyển. Sau đó, gặp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tìm hiểu năng lực những học sinh đã đăng kí. Nếu chưa yên tâm với danh sách học sinh, tôi sẽ trực tiếp gặp học sinh để động viên các em” - Cô Mỹ chia sẻ.

Thành công trong công tác ôn luyện không thể thiếu tài liệu và phương pháp bồi dưỡng. Với cô Mỹ, việc biên soạn tài liệu luôn được thực hiện theo 4 bước mà bước đầu tiên là lấy nội dung chuẩn kiến thức kĩ năng làm nội dung cơ bản. Sau đó, đọc kĩ yêu cầu trong chuẩn kiến thức kĩ năng chương trình, sách giáo viên, sách giáo khoa ở mỗi bài để xác định nội dung cần phải nâng cao.

Bước tiếp theo, giáo viên đọc thêm sách tham khảo để dự đoán phần nội dung nâng cao có thể đặt những câu hỏi gì và trả lời như thế nào. Đối với câu hỏi mang tính thời sự, kết hợp theo dõi tin tức thời sự trên ti vi; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, so sánh, giáo viên nhận xét tìm hiểu thêm ở sách giáo khoa, sách giáo viên THPT để lựa chọn hướng dẫn trả lời sao cho phù hợp vừa đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng. Cuối cùng, giáo viên cần chuẩn bị bài tập về nhà thật chu đáo.

Chia sẻ về phương pháp bồi dưỡng, cô Mỹ cho biết, việc kiểm tra bài cũ với tất cả học sinh là không thể thiếu. Nếu số lượng học sinh đông, nên cho học sinh kiểm tra chéo với sự giám sát của giáo viên. Chỉ sau khi học sinh thuộc dứt điểm bài cũ, giáo viên mới thực hiện bồi dưỡng nâng cao bài mới. Ngoài ra, mỗi tháng giáo viên cho kiểm tra viết 1 lần, rút kinh nghiệm bài làm trong từng câu, từng bài để điều chỉnh, bổ sung.

Sau khi sửa và bổ sung hoàn chỉnh, cho học sinh ghi vào vở về nhà học hoặc photo tài liệu phát cho học sinh. Nhất thiết phải yêu cầu các em về nhà học bài kĩ, sưu tầm tài liệu, làm bài tập (nếu có); đọc sách giáo khoa bài mới, dự kiến nội dung trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa. Khi hướng dẫn làm bài thi, kinh nghiệm của cô Mỹ là nhắc nhở học sinh phân bố thời gian làm bài hợp lí, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu giờ. Trình bày bài làm cần khoa học, sạch sẽ, đầy đủ kiến thức theo yêu cầu, chữ viết rõ ràng, đúng chính tả, câu hỏi có từ 3 điểm trở lên cần nêu ngắn gọn phần mở bài và kết luận.

Về nội dung, học sinh phải tìm hiểu kĩ yêu cầu, nội dung đề bài; ghi vào giấy nháp những từ, cụm từ quan trọng thể hiện nội dung cơ bản của đề; vạch ra vấn đề cần quan tâm khi giải quyết đề bài; sắp xếp, lựa chọn kiến thức chính xác cho từng câu, từng phần; xây dựng đề cương bài viết và làm bài theo đề cương; cẩn thận đọc, kiểm tra và sửa chữa lỗi…

Với những nỗ lực trong 32 năm dạy học, cô Lê Thị Mỹ đã vinh dự được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, trong đó có 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN