Cơ chế đột phá giải quyết điểm nghẽn trong phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam
(ĐCSVN) - Phát triển kinh tế xanh hiện là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu đó. Do có thể coi đây là mô hình tăng trưởng mới nên ở giai đoạn đầu, có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết một cách đồng bộ, toàn diện thì mới có thể cụ thể hóa mục tiêu phát triển xanh được.
Từ ba nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050 của Việt Nam: giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; và xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, cần nhận thức được những điểm nghẽn cần tháo gỡ là: thể chế chính sách, pháp luật; hạ tầng kỹ thuật; năng lực khoa học công nghệ; nguồn lực tài chính; nhân lực và nhận thức của xã hội.
Khung khổ thể chế, pháp luật “xanh”
Đây là vấn đề quan trọng nhất, then chốt nhất trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa. Kinh tế xanh là một hiện tượng kinh tế - xã hội, một lối sống mới trong sự tôn trọng và gìn giữ thiên nhiên. Sự phát triển kinh tế xanh dựa trên những tiến bộ của khoa học công nghệ mở ra những cơ hội chưa từng có để bứt phá trong phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong hoạt động quản lý nhà nước về nhiều lĩnh vực kinh tế kỹ thuật. Nếu không có khung khổ pháp lý đồng bộ, tổng thể, hoàn chỉnh thì khó có thể hiện thực hóa những mục tiêu phát triển xanh.
Nếu không nói quá thì kinh tế xanh cần một khung khổ pháp lý cũng phải “xanh” để vừa huy động được tối đa các nguồn lực trong nước, từ tài chính, công nghệ, con người… để giải quyết các bài toán chuyển đổi xanh. Các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước phải gần với dân, gần với doanh nghiệp, gần với thực tiễn vận động của thị trường hơn nữa để nhìn nhận, phát hiện vấn đề và mạnh dạn tìm các giải pháp hợp lý, tối ưu để giải quyết bằng được những vấn đề đó.
Pháp luật càng công khai, minh bạch sẽ giảm thiểu chi phí xã hội cho sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo trong chuyển đổi xanh. Thể chế tốt sẽ góp phần giảm rủi ro trong đầu tư cho các ngành công nghiệp mới, nhất là đối với những người đi tiên phong. Thể chế tốt sẽ loại bỏ được các rào cản pháp lý không cần thiết, nhất là các thủ tục giấy tờ hành chính ban đầu ở các cấp độ[1].
Do đó để đón đầu tăng trưởng từ ngành công nghiệp mới, trong thiết kế chính sách, pháp luật cần có các cơ chế, chính sách công khai, minh bạch hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực với không gian, thời gian cụ thể, gắn với các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh có mục tiêu và nhiều công cụ tài chính khác mang tính chất chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Các gói hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển (R&D) khoa học và công nghệ để giảm chi phí và thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm trên diện rộng, có thể bắt đầu từ đơn đặt hàng của Nhà nước.
Nếu được sử dụng một phần vốn đầu tư công cho khoa học công nghệ, các phòng thí nghiệm trọng điểm mở rộng tham gia đầu tư với tư nhân theo hình thức đối tác công-tư, qua đó thể hiện vai trò bà đỡ đặc biệt quan trọng trong triển khai các chương trình nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Đó cũng chính là cách Nhà nước chấp nhận chia sẻ một phần rủi ro trong R&D và thu hút nguồn vốn tư nhân cho các ngành công nghiệp mới. Cách tính chi phí hợp lý cho R&D khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, hoạch toán chi phí cho sản xuất thử nghiệm, sản phẩm thử nghiệm, những rủi ro trong sản xuất sản phẩm mới,… cũng còn bị hạn chế theo các luật về thuế.
Chúng ta phát triển các ngành công nghiệp mới gần như từ đầu nên hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Đó không chỉ là vấn đề vốn, công nghệ mà còn là tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chia sẻ các thông lệ quản trị tốt và cơ sở hạ tầng xuyên biên giới hướng tới mục tiêu hợp tác dài hạn. Để mở rộng sự hợp tác này cũng cần có những quy định của pháp luật.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật “xanh”
Để phát triển xanh thì hạ tầng kỹ thuật có vị trí hết sức quan trọng. Ở đây có thể tồn tại hai khía cạnh là xanh hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện có như năng lượng, cấp thoát nước, giao thông, thông tin liên lạc và hạ tầng kỹ thuật xanh phục vụ các ngành kinh tế xanh. Hạ tầng xanh xuất hiện ở tất cả các quy mô thông qua việc giải quyết tốt hạ tầng kỹ thuật cả trong đô thị lẫn ở nông thôn, được quy hoạch, đầu tư xây dựng, kết nối, bảo tồn, tăng cường hoặc thiết lập nhằm góp phần giải quyết các vấn đề của đô thị hóa. Hạ tầng xanh sẽ làm giảm các chi phí đầu tư cho các giải pháp chống ngập, nâng cao chất lượng và trữ lượng nước, giảm chi phí xử lý nước thải, tiết kiệm năng lượng, góp phần gia tăng giá trị bất động sản, phát triển du lịch và tạo cơ hội việc làm, mang lại lợi ích cho cộng đồng trong một môi trường sống tốt hơn.
Hạ tầng kỹ thuật xanh phục vụ các ngành kinh tế xanh. |
Tuy nhiên, còn hạ tầng kỹ thuật xanh phục vụ cho chuyển đổi kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng xanh. Ví dụ, để có một hệ thống giao thông xanh không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng điện, pin mặt trời, gió, khí hydro, khí nén CNG lại cần các trạm sạc, trạm nạp khí hydro… cần nguồn vốn đầu tư lớn trong khi mô hình đầu tư kết hợp nhà nước và tư nhân (PPP) còn nhiều vấn đề pháp lý tiếp tục cần tháo gỡ.
Hạ tầng kỹ thuật “xanh” là một khái niệm mới nên chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, quy hoạch, thiết kế cũng như kiểm tra, giám sát và triển khai thực hiện. Do đó, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, quy chuẩn các công trình hạ tầng kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong phát triển vật liệu xanh, công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả là rất quan trọng.
Năng lực khoa học công nghệ “xanh”
Phát triển KHCN là cơ sở để thay đổi, cải tiến các mô hình tăng trưởng cũ, hao tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường bằng các mô hình phát triển kinh tế mới có hiệu suất, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
Trong quá trình phát triển những ngành năng lượng mới, carbon thấp, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường như năng lượng tái tạo và nhiên liệu hydrogen, amoniac xanh, sinh học, KHCN đóng vai trò then chốt. Cho dù chúng ta có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nhưng việc chủ động nghiên cứu, sáng tạo, phát triển công nghệ vẫn rất cần thiết. Tuy nhiên, có vẻ lực lượng nghiên cứu khoa học cơ bản, nền tảng những năm gần đây thiếu hụt nghiêm trọng cùng với sự thiếu vắng hệ thống các phòng thí nghiệm tiên tiến, cho dù đã có một giai đoạn chúng ta tập trung đầu tư một số phòng thí nghiêm trọng điểm quốc gia từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay. Tuy nhiên, việc đầu tư cho khoa học công nghệ là một chuỗi hoạt động đầu tư liên tục, mà nếu chúng ta dừng lại thì các phòng thí nghiệm tiến tiến sẽ lại chóng lỗi thời do sự phát triển nhanh, vượt bậc của KHCN.
Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp trên cơ sở nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến giảm thiểu lượng phát thải và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên... cũng phải dựa vào nền tảng ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Đối với nông nghiệp nước ta, đứng trước những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, sử dụng nước không hợp lý ở thượng nguồn các con sông từ nước ngoài chảy vào Việt Nam thì việc xây dựng một nền nông nghiệp xanh, bền vững ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chịu được hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn… không có con đường nào khác ngoài ứng dụng KHCN công nghệ sinh học, giống cây trồng, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước cùng với hệ thống canh tác tiên tiến. Vấn đề cũng nằm ở năng lực nghiên cứu cơ bản, hệ thống các phòng thí nghiệm, trang thiết bị, chuyển đổi số, nguồn nhân lực.
Đã có nhiều công nghệ được ứng dụng trong việc giám sát, điều tra, đánh giá, quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên đất đai, nguồn nước… như sử dụng không ảnh, viễn thám, drone, cảm biến quan trắc số hóa, điều khiển từ xa, cập nhật thông tin số liệu theo thời gian thực online, ontime cũng cần sự đầu tư thích đáng của xã hội.
Huy động các nguồn lực tài chính “xanh”
Tài chính là nguồn lực quan trọng để phát triển nền kinh tế xanh. Ngoài nguồn lực tài chính công hiện đang còn rất chật hẹp với tỷ trọng chi cho KHCN và bảo vệ môi trường còn ở mức thấp, thì nguồn tài chính từ xã hội sẽ có vai trò chính. Tài chính cho phát triển xanh là tập hợp các nguồn, hình thức và phương pháp được sử dụng để tài trợ cho các dự án kinh tế xanh, năng lượng xanh và môi trường. Theo đánh giá của Chương trình của LHQ về bảo vệ môi trường, để phát triển kinh tế xanh tới năm 2050, cần đầu tư mỗi năm khoảng 2% tổng giá trị sản phẩm (GDP) toàn cầu, tương đương khoảng 1,3 nghìn tỷ đô-la Mỹ[2]. Hợp tác quốc tế liên quan đến nguồn tài chính xanh là một kênh huy động vốn quan trọng.
Đối với tài chính công, đã có tiền lệ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương để giải quyết một số vấn đề cấp bách trong phát triển. Đối với phát triển nền kinh tế xanh, tôi thiết nghĩ cũng có thể xây dựng một chương trình mục tiêu nào đó trên cơ sở bài toán chi phí-hiệu quả trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Quan trọng là các chương trình này cần được xây dựng trên cơ sở cả kế hoạch dài hạn, trung hạn cũng như ngắn hạn vì thực tế chuyển đổi xanh là một quá trình lâu dài và tốn kém.
Tài chính năng lượng là một khía cạnh quan trọng trong chính sách năng lượng gắn với chuyển đổi năng lượng xanh vì tổng vốn đầu tư tạm tính cho phát triển nguồn và lưới điện giai đoạn 2021 - 2030 tương đương 134,7 tỷ USD và 399,2 - 523,1 tỷ USD giai đoạn 2031 - 2050. Đầu tư từ các tập đoàn năng lượng nhà nước chắc chắn là không đủ, nên cần nhiều nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương pháp tiếp cận toàn diện cho cả nền kinh tế [3].
Bên cạnh tài chính công, các công cụ tài chính tài trợ cho kinh tế xanh khá phổ biến hiện nay là “tín dụng xanh”, các chứng chỉ môi trường, khí thải carbon. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ thành phố Hồ Chí Minh khi xây dựng đề án huy động trái phiếu “xanh” của chính quyền thành phố và khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu “xanh” phục vụ các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh, để đầu tư một phần hay toàn bộ cho các dự án như: năng lượng tái tạo, như điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ, điện mặt trời mái nhà tại các khu, cụm công nghiệp, nhà dân; hỗ trợ các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch; chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo; phát điện từ rác thải sinh hoạt; các dự án thu hồi, xử lý nước thải sinh hoạt; nạo vét, hồi sinh kênh, rạch, bờ kè; các dự án chống ngập, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng; giao thông xanh với việc tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng hệ thống phương tiện chạy điện hay pin hydro; hệ thống đèn giao thông thông minh; thiết kế, xây dựng các công trình dân dụng thông minh, thân thiện với môi trường, giảm khí thải nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng; hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; trồng cây xanh đô thị, xây dựng công viên, phát triển rừng che phủ và cây xanh phân tán; các dự án bảo vệ đa dạng sinh học; sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, mặt nước cho phát triển nông, thủy sản, phát triển đô thị, công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp công trình, trang thiết bị xử lý chất thải, khí thải, nước thải, tiếng ồn, tái chế chất thải; di dời sản xuất ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, khu đô thị; và phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường[4].
Nhân lực “xanh”, việc làm “xanh”
Để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển xanh rất cần nguồn nhân lực có chất lượng có thể tham gia, tác động, ảnh hưởng tới quá trình này. Không phải chỉ vì bạn đạp xe đi làm hay làm việc trong khu bảo tồn quốc gia mà đã được gọi là việc làm “xanh”. Việc làm “xanh” hay nhân lực “xanh” chính là những hoạt động của người lao động có tác động tích cực tới môi trường, khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao công nghệ xanh và thực hiện bình đẳng trong việc tiếp cận việc làm, tăng thu nhập. Việc làm “xanh” cũng chính là công việc ổn định trong cả khía cạnh môi trường, kinh tế và xã hội, trong đó con người giữ vị trí trung tâm, tạo điều kiện tiếp cận việc làm cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Trong nền kinh tế xanh, việc đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện sức khỏe của người dân và tăng cường hệ thống đảm bảo an sinh xã hội sẽ được tốt hơn. Trong xu thế phát triển vượt bậc của công nghệ, nhà máy thông minh với ứng dụng trí tuệ nhân tại, dữ liệu lớn, internet vạn vật… nhiều người lo lắng tới việc làm trong tương lai, tuy nhiên, báo cáo World Employment and Social Outlook 2018: Greening with Jobs của Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho thấy, kinh tế “xanh” sẽ mang lại nhiều việc làm mới[5]. Vấn đề là đào tạo kỹ thuật và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về kinh tế xanh như thế nào để họ có thể tự đảm đương công việc, còn vai trò của Nhà nước đến đâu, doanh nghiệp và bản thân người lao động phấn đấu đến đâu.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc Kinh khi công bố gói hỗ trợ 19 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm tài chính, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất đáng được quan tâm; hay như Malaysia sẽ phân bổ ít nhất 5,33 tỷ USD từ các quỹ đầu tư Quốc gia cho việc đào tạo 60 nghìn kỹ sư bán dẫn và hỗ trợ các công ty trong nước trong vòng 5 đến 10 năm tới theo Chiến lược bán dẫn quốc gia mới công bố[6].
Nhận thức “xanh”
Nền kinh tế xanh chính là sự chuyển đổi từ những tri thức khoa học tới nhận thức chung của xã hội. Không có nhận thức đúng đắn thì không thể có hành động đúng đắn về nền kinh tế xanh. Mà nhận thức là cả một quá trình, cho nên vấn đề truyền thông, tuyên truyền giáo dục rất quan trọng. Đơn giản như việc phân loại rác tại nguồn chúng ta đã nói nhiều nhưng kết quả chưa được bao nhiêu. Hay việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tiết kiệm vật tư, của cải xã hội, lớn hơn là tài nguyên thiên nhiên… cũng chậm có chuyển biến. Từ nhận thức đến hành động một cách tự giác mọi lúc, mọi nơi của người dân, doanh nghiệp, cơ quan công quyền có lẽ cần không ít thời gian và công sức của cả xã hội.
Cùng với sự gia tăng văn minh xã hội, bao gồm từ trình độ giáo dục, văn hóa, đạo đức đến lối sống và cách ứng xử, người dân dần nhận thức được sự cần thiết phải giải quyết bài toán muôn thuở của loài người là sống hài hòa với thiên nhiên. Điều đó có nghĩa là, ngoài việc con người ứng xử tốt với đồng loại (vế thứ nhất), thì con người còn phải ứng xử tốt với thiên nhiên (vế thứ 2)[7].
Quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn là vì lợi ích con người và do con người thực hiện. Đây là những thách thức chủ yếu cần phải vượt qua trên cơ sở nhận thức chung và sự đồng lòng, quyết tâm của cả xã hội. Thực sự với tiềm năng, lợi thế so sánh của đất nước, trí thông minh, sáng tạo, lao động cần cù, chịu khó của người dân, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, chắc chắn Việt Nam sẽ vững bước trên con đường hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững./.
[1] Trần Văn, Hoàn thiện thể chế đón đầu tăng trưởng. Nhân dân ngày 29/12/2023.
[2] Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication - A Synthesis for Policy Makers. stg-wedocs.unep.org
[3] Trần Văn, “Ngành hydrogen - động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế”. Đại biểu nhân dân ngày 01/09/2023.
[4] Trần Văn, “Tài chính xanh: Cơ hội phát triển xanh”. Đầu tư Tài chính SGGP, ngày 24/08/2023.
[5] World Employment and Social Outlook 2018: Greening with Jobs. www.ilo.org/publications
[6] Malaysia rục rịch đào tạo 60.000 kỹ sư bán dẫn, tham vọng trở thành cứ địa chip toàn cầu. https://dothi.reatimes.vn/
[7] Bochko V.S., “Green Economy-the Transition from Scientific Knowledge to Mas Awareness”. Yeketerinburg, Russia.