Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Có nên áp dụng phạt tiền những trường hợp vi phạm hương ước, quy ước hay không?

Thứ Năm, 21/09/2017 15:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên: Hiện nay có hai loại ý kiến khác nhau:

Loại thứ nhất đề xuất không cho phép quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Theo đó, việc không cho phép quy định có ưu điểm là hạn chế tình trạng “phạt vạ”, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật. Hiện nay, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện, bao gồm Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và hơn 50 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, không cần thiết phải quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Tuy nhiên, có hạn chế là có thể làm giảm hiệu lực thi hành của hương ước, quy ước trên thực tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Khánh Hòa.

Loại ý kiến thứ hai thì kiến nghị cho phép quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Như vậy, hương ước, quy ước có hiệu lực thi hành cao hơn. Tuy nhiên, loại ý kiến này có hạn chế là dễ nhầm lẫn với biện pháp phạt tiền theo pháp luật xử phạt vi vi phạm hành chính. Trong thực tế, một số nơi có thể lạm dụng quy định này dẫn đến tình trạng “phạt vạ”, “lệ làng”, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhiều bản hương ước, quy ước đã quy định biện pháp phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính đã được pháp luật quy định, thậm chí mức phạt cao hơn so với quy định pháp luật đối với một hành vi tương ứng.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Tư pháp lựa chọn phương án thứ nhất vì bản chất của hương ước, quy ước dựa trên sự tự nguyện, tự thỏa thuận, các biện pháp bảo đảm thực hiện quy định trong hương ước, quy ước chỉ mang tính chất giáo dục, thuyết phục, vận động. Hơn nữa, hiện nay pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tương đối hoàn thiện với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và hơn 50 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, các hành vi vi phạm hành chính đã có cơ sở pháp lý tương đối hoàn chỉnh để xử lý theo pháp luật. Vì vậy, không cần thiết phải quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Do đó, dự thảo Quyết định được thiết kế theo hướng không cho phép quy định các biện pháp phạt này trong hương ước, quy ước.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Bình tán thành việc không quy định phạt tiền bởi hương ước, quy ước chỉ điều chỉnh quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư. Nếu vi phạm trật tự quản lý nhà nước thì đã bị xử phạt hành chính, trong khi hương ước, quy ước chỉ điều chỉnh quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư.

Thục Quyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN